Tổng hợp vấn đáp số 1: Quan điểm của Phật giáo về Thượng đế? "Quán chiếu" như thế nào? Ý nghĩa áo tràng? Đại thừa, Tiểu thừa là gì?  - Thích Pháp Hòa

Tổng hợp vấn đáp số 1: Quan điểm của Phật giáo về Thượng đế? "Quán chiếu" như thế nào? Ý nghĩa áo tràng? Đại thừa, Tiểu thừa là gì? - Thích Pháp Hòa

Vấn đáp 1: “Quý thầy thường đến nhà Phật tử thì thấy các thầy chỉ lạy Phật, còn bàn thờ ông bà các thầy chỉ xá thôi. Trong kinh Vu Lan nói rằng khi đức Phật gặp một đống xương khô, Phật quỳ xuống lạy." 

Đáp: Thưa đại chúng, tất cả quý thầy dù đi xuất gia rồi nhưng bàn thờ ông bà tổ tiên các thầy đều xá lạy hết. Nhưng mà thay vì mình làm một cái lễ, thì mình làm gọn lại dùng một pháp lễ Phật. Rồi tất cả các bàn khác (không phải riêng ông bà) thì mình xá. Cái xá cũng là lạy nhưng cái lạy đó là “lạy gọn” chứ không phải quý thầy khinh thường mà không lạy. Có người sẽ đặt câu hỏi ngược lại: “Đức Phật là bậc đạo sư tại sao phải lạy xương của người phàm?” Quý vị nên nhớ là tất cả những gì đức Phật làm đều là cái duyên cớ để đức Phật nói pháp. Phật thấy đống xương, Phật biết có rất nhiều người trong này. Trong đó có ông bà cha mẹ, và ân đức của họ rất lớn nên Phật quỳ xuống lạy. Đức Phật lạy như vậy làm cho đại chúng ngơ ngác không biết lý do. 
 
“Đức A Nan tủi lòng ái ngại 
Chẳng biết sao Phật lạy đống xương
Vội vàng xin Phật dạy tường
Thầy là từ phụ ba phương bốn loài 
Ai ai cũng kính thầy dường ấy
Cớ sao thầy lại lạy xương khô?
Phật rằng trong các môn đồ 
Thầy là đệ tử đứng đầu dày công
Bởi chưa biết đục, trong cho rõ
Nên vì thầy ta tỏ đuôi đầu 
Đống xương dồn dập bấy lâu
Cho nên trong đó biết bao cốt hài
Chắc cũng có ông bà cha mẹ
Hoặc thân ta, hoặc kẻ ta sanh 
Luân hồi sanh tử tử sanh
Lục thân đời trước thi hài còn đây
Ta lễ bái là kính người tiền bối 
Và ngậm ngùi vì nhớ kiếp xưa
Đống xương hỗn tạp chẳng vừa
Không phân trai gái bỏ bừa khó coi
Thầy chịu khó xét soi cho kỹ 
Phân làm hai bên nữ, bên nam 
Để cho phân biệt cốt phàm
Không còn lộn lạo nữ nam chất chồng”
 
Quý vị nhớ bài kinh đó không? Vậy thì duyên cớ để Phật nói, nên Phật lạy rồi ngài A Nan mới thắc mắc, từ đó Phật mới nói thêm. Phật kêu A-Nan chịu khó lựa xương ra. Xương đàn ông để một bên, xương đàn bà để một bên. Đức A Nan ái ngại: 

“Bây giờ mình biết làm sao?
Lúc đứng đi ăn mặc phân minh
Chớ khi rã xác tiêu hình 
Xương ai như nấy khó nhìn khó phân”
 
Lúc người ta đi tới đi lui con còn phân được tướng nam, tướng nữ. Bây giờ chết rồi thì xương nào cũng như xương nấy sao con biết ai? Nhưng Phật có cách. Xương đàn bà nhiều bề cực nhọc nên xương đen, nhẹ và thâm. 

“Này A Nan!
Thầy có biết cớ chi đen nhẹ? 
Bởi đàn bà sanh đẻ mà ra
Sanh con ba đấu huyết ra
Tám hộc bốn đấu sữa hòa nuôi con 
Vì cớ ấy hao mòn thân thể
Xương đàn bà đen nhẹ hơn trai 
A Nan nghe vậy bi ai
Xót thương cha mẹ công dày dưỡng sanh
Bèn cầu Phật thi ân dạy bảo
Phương pháp nào báo hiếu song thân?"
 
Cho nên đó là duyên cớ. Trong các lễ nghi, trong các khóa lễ thì chúng ta lễ Phật là chính, còn tất cả các nơi khác chúng ta thủ lễ bằng cách lễ phân nửa người. Lễ Phật có 9 kiểu. Kiểu mà nằm dài người ra lạy Phật theo kiểu người Tây Tạng gọi là “trường mạng lễ”. Còn lễ như kiểu xá của mình cuối người xuống thấp phân nửa gọi là lễ phân nửa. Cho nên chỉ cần mình nhất tâm, chấp tay cung thủ đều thành lễ hết chứ không phải không kính mà không lễ. 
 
Vấn đáp 2: Có câu hỏi tiếng Anh: “Con thường nghe Phật nói ráng làm phước để kiếp sau được tốt. Nhưng mà con có thể nào làm phước mà không cần phước báo kiếp sau không?”. -> Đây là “bố thí Ba la mật”. English translation “The perfect of giving”. -> Thầy trả lời bằng tiếng Anh (mình không ghi chép đoạn này vì sợ sai tiếng Anh. Mời quý đọc giả nghe clip trên kênh YouTube) 
 
Vấn đáp 3: “Thỉnh thoảng Thiên Chúa giáo hay Tin lành khuyên tôi bỏ Phật theo Chúa bởi vì họ nói Phật cũng là một người bình thường. Hay nói đúng hơn là một cái tượng. Nhưng tôi là một người Phật tử, tôi chỉ làm những gì theo lòng của mình và tôi thấy rằng thầy đã giảng những điều đúng như trong lòng tôi đã nghĩ. Tôi rất cảm ơn điều này. Nhưng tôi không nghe thầy nói về Thượng đế, vậy thì Thượng đế với cái nhìn của đạo Phật như thế nào? “ 
 
Đáp: Người ta thường nghĩ Thượng đế là đấng tạo hóa, nhưng mà trong đạo Phật thì không có đấng tạo hóa. Cái nhìn của đạo Phật là tất cả các pháp là do duyên sanh. Nếu chúng ta tạm tin rằng tất cả vạn vật trên thế gian này phải có một đấng tạo hóa (bây giờ mình nhận là đúng như vậy đi) thì câu hỏi đặt ra là: ai tạo ra Đấng tạo hóa? Bởi nếu nói rằng tất cả phải có một đấng tạo hóa thì ai, điều gì tạo ra vị tạo hóa đó? Nếu mình tin như vậy thì trên đấng tạo hóa phải có một đấng nào nữa? Quan điểm của Phật giáo “tất cả các pháp do duyên sanh”. Nếu nói tạo hóa là tạo ra tất cả thì theo cái nhìn của Phật thì đó là "TÂM" của mình. Tâm của mình muốn như thế nào thì mình tạo ra như thế đó. Thí dụ như cái hội trường này, tâm của mình muốn biến cái hội trường này trong hôm nay trở thành đạo tràng tu học thì hội trường này chỉ trong vòng một, hai tiếng là biến ra thành đạo tràng tu học. Tâm của mình muốn gì thì mình tạo ra cái đó.
Quý vị có sợ chữ “quan tài” không? Sợ chứ! Nghe chữ quan tài là ớn rồi. Nhưng mà bây giờ người ta tạo ra cái quan tài nhỏ nhỏ, trên cái nắp đó người ta khắc chữ “Thăng quan phát tài” làm quà Xuân ngày Tết. Pháp Hòa từng thấy cái này ở Trung Quốc, người ta bán cái quan tài nhỏ nhỏ như thế, có nắp đậy đẩy ra đẩy vô đàng hoàng. Khi Pháp Hòa thấy thì nghĩ đây đúng là “Nhất thiết duy tâm tạo”. Cái nhìn của đạo Phật, Thượng đế chính là Tâm. Tâm mình tạo ra tất cả. Mình muốn thiên đường là có thiên đường. Mình muốn địa ngục là có địa ngục. Có cái hình người ta vẽ chữ "Tâm"  (心)ở giữa và vẽ 10 pháp giới xung quanh: Phật, Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác, Trời, A tu la, Người, Súc Sanh, Ngạ Quỹ, Địa ngục. 4 cái trên gọi là "Tứ thánh". 6 cái dưới gọi là "Lục phàm", cộng lại 10 cõi. Mà 10 cõi này từ đâu ra? Từ tâm mình sanh cho nên vẽ chữ Tâm ở giữa. 

Tam điểm như tinh tượng,
Hoành câu tợ nguyệt tà.
Phi mao tùng thử đắc,
Tố Phật dã do tha”

Muốn làm Phật, làm gì đó thì từ nó mà ra ·

“Tâm năng tác thiên đường
Tâm năng tác địa ngục”


Vấn đáp 4: Xin thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con “tịnh tâm” và “quán chiếu”. Theo như con hiểu từ lời dạy của quý thầy là khi mình tịnh tâm là mình tập đếm hơi thở và không để cho tâm mình chạy loạn. Khi mình quán chiếu thì sẽ suy nghĩ trong một ngày đó mình đã làm và khởi lên những niệm xấu tốt gì để sửa đổi. Xin thầy dạy cho con cách quán chiếu.

Đáp: Đại ý câu hỏi là mình đếm hơi thở để mình trụ tâm, nhưng khi quán chiếu phải suy nghĩ vậy thì làm sao mà trụ? Thưa đại chúng, khi mình có một việc gì cần lo, cần suy nghĩ thì mình suy nghĩ trong phạm vi câu chuyện đó để có phương pháp giải quyết vấn đề. Điều này đúng chứ không có gì sai. Ví dụ như mình được lãnh trách nhiệm trang trí cái hội trường này thì mình phải đi vô trong hội trường này, đứng quán sát xem nó rộng hẹp, cao thấp như thế nào? Có bao nhiêu chỗ? Mình sẽ nghĩ xem chỗ này mình để cái gì? Chỗ kia mình treo cái chi? Mặc dù tâm mình có hướng về bức tường này, hướng về bức tường kia nhưng nó vẫn ở trong phạm vi một đề mục mà chúng ta quán chiếu, không sao hết. Khi mình trải qua một ngày thì mình quán chiếu lại ngày hôm nay mình sống như thế nào? Mình đã làm bao nhiêu điều tốt đẹp? phạm bao nhiêu lỗi lầm? Gọi là quán chiếu. 

Tại sao có 2 đức Phật? Một Phật Dược Sư và một Phật Di Đà. Đức Phật Dược Sư ở phương Đông còn đức Phật Di Đà ở phương Tây. Hai đức Phật ở hai phương mà phương Đông là mặt trời mọc còn phương Tây là mặt trời lặn. Sống thì nương Phật Dược Sư, chết thì nương Phật Di Đà. Hay nói một cách khác, ban ngày tâm chúng ta sống với Phật Dược Sư nhưng chiều về chúng ta trở về với sự tĩnh lặng của Di Đà để quán chiếu ngày hôm nay chúng ta đã sống như thế nào? Không phải chết mới gặp được Di Đà đâu, mà Di Đà là tượng trưng cho sự tỉnh lặng khi chiều về. Ý nói là hết một ngày chúng ta suy nghĩ, suy ngẫm lại mình đã sống như thế nào trong ngày đó. Pháp Hòa có giảng một bài “Một ngày hai việc thiện” là mình hãy quán chiếu, mình thấy mình sống mình cần làm gì và tối mình phải làm gì? Nếu hôm nay mình quán chiếu thấy ngày hôm qua mình sống dở quá, mình dụng một ngày của mình chưa hết, mình đã để cho buông trôi thì ngày mai mình sống tốt hơn. Cái đó gọi là quán chiếu. Ví dụ như kỳ này mình tổ chức sự kiện này, sau đó mình ngồi lại quán chiếu trong quá trình tổ chức như vậy mình đã vấp phải cái gì và mình đã học được bài học kinh nghiệm gì? Cho nên cuộc sống của mình là cả một sự quán chiếu, trở về học hỏi những cái gì đã qua. Cái gì đã qua rồi cho dù nó có dở cũng chưa chắc là điều không tốt bởi vì nó là cơ hội giúp mình quán chiếu, nhìn lại.

Vấn đáp 5: “Sau khi con quy y con có cần mặc áo lam khi đi chùa hay không? Thầy chỉ thêm cho con là sẽ không được phạm vào những điều gì? Con không đi chùa? Con đọc được chú Đại Bi và được vãng sanh không? 

Đáp: thưa đại chúng sự tu hành của mình không liên hệ đến vấn đề đi chùa hay không đi chùa. Khi mình quy y tức là mình chính thức trở thành Phật tử. Và để cho trang nghiêm thân tướng của một Phật tử, người ta đã tạo ra một chiếc áo gọi là “áo tràng”. Chữ tràng nghĩa là “trường” là áo dài. Tại sao phải là áo dài? Để che thân của mình. Nhiều khi mình lỡ mặc một bộ đồ không được kín, không được trang nghiêm thì mình có áo tràng mặc vô để làm trang nghiêm pháp phục. Ý nghĩa thứ hai là khi chúng ta mỗi người áo xanh, áo đỏ, áo vàng, đủ màu đủ sắc, đủ kiểu, đủ cách, nhưng khi chúng ta vào chùa rồi thì tất cả chúng ta là bình đẳng, mặc cái áo tràng vô rồi thì giàu nghèo ai cũng giống nhau, cũng chỉ là một cái áo tràng. Điều thứ hai, hình thức vào chùa tụng kinh của chúng ta phần lớn là không ngồi ghế mà ngồi dưới đất và xếp bằng cái chân lại nên đôi khi tướng ngồi không đẹp, không kín. Nhờ vạt áo tràng che phủ thân mình lại để khi chúng ta ngồi xuống chúng ta có vải, có áo để che. Và đồng thời áo tràng tượng trưng cho giới mà chúng ta đã thọ. Quý vị nhìn áo tràng xem, ở phía trước có 2 vạt, bên trong có một cái vạt ngắn ngắn là 3 vạt, ở ngoài sau thêm 2 cái vạt nối nữa là 5 vạt, tượng trưng cho 5 giới mà Phật tử chúng ta đã thọ. Phần cổ áo cắt cho tròn trĩnh, bên trong lót miếng vải vuông vuông để nhắc nhở chúng ta là Phật tử thì sống cho vuông tròn. Áo tràng có ý nghĩa. Chúng ta muốn mặc cũng được mà không muốn mặc cũng chẳng sao nhưng nếu chúng ta thấy đạo lý và ý nghĩa rồi thì chúng ta mặc càng tốt vì mỗi lần mặc vào thì nó nhắc nhở mình. Thí dụ quý thầy mỗi lần mặc áo vào thì có bài kệ:

“Mang áo của người tu 
Tâm tư thường khỏe nhẹ
Nguyện sống đời an lành
Đem vui cho trần thế”


Còn Phật tử mặc áo tràng lấy tay cài nút cũng có bài kệ: 

“Áo này mặc, nút này gài
Thiện tâm gìn giữ đêm ngày chẳng lơi”


Nãy giờ Pháp Hòa nói hình dáng, ý nghĩa của áo tràng rồi thì bây giờ Pháp Hòa nói về màu sắc của áo tràng. Áo tràng màu lam tượng trưng cho nhang khói hiền hòa. Mình mặc áo tràng này rồi thì mình phải nhẫn nhục vì có ai mà mặc áo tràng này mà giận lên cột hai cái vạt lại đánh lộn không? Không có! Cho nên áo tràng thúc liễm mình. Hổng lẽ bây giờ mặc bộ đồ vạt khò đi ra chợ trả giá? “Cái này bán sao vậy?”, “5 đồng một bó”, “Cái này tôi mua cho chùa, bớt hông?” (cười). Thí dụ như vậy. Mình mặc cái áo này rồi thì cách sống, cách hành xử của mình cũng nhẹ hơn, dễ thương hơn. Thế thì cái áo này là phương tiện thúc liễm chúng ta, nhắc nhở chúng ta. Thế thôi, mình mặc cũng được, không mặc cũng không sao. 

Rồi bây giờ nói đi chùa. Tuần trước Pháp Hòa định nghĩa chữ “chùa” rồi. Chùa là gì? Là nơi gần gũi người lành, lánh xa người xấu gọi là chùa. Giây phút nào chúng ta đi chùa là giây phút đó chúng ta xa cái xấu, gần cái thiện. Còn chuyện đi chùa để làm gì? Để mình học hỏi, mình nhẫn nhục, hun đúc, huân tập để mình bước ra ngoài mình đối nhân xử thế tốt hơn. Trong 3 quá trình tu nhà, tu chợ, tu chùa thì mình tu chùa là dung nạp thiện duyên, thiện căn để rồi chúng ta trở về sống với nhà, với chợ dễ thương hơn chứ không liên hệ đến vấn đề tụng kinh. Không ai bao giờ nói “người không đi chùa không được tụng kinh”. Mình đi chùa thì mình cứ đi để hộ trì cho Tam bảo nhưng ở nhà tụng kinh, niệm Phật, tu tập là điều cần làm. Ai đó không đi chùa thì ở nhà tụng kinh, niệm Phật vẫn phải làm bởi vì tu là trường thời tu, tu trường kỳ kháng chiến, tu quanh năm suốt tháng. Tu là chuyện rất đơn giản của mình chứ không có chuyện gì phải ráng tu. Ngườ ta hay nói “thôi ráng tu”. Tu làm gì phải ráng? Hổng có gì phải ráng hết á. Mới đầu thì còn ráng chứ khi mình đã thuần thục rồi đâu có gì phải ráng đâu, tu là chuyện bình thường. Cũng như Ngài Thái Tông dạy mình: 

“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”

Mọi việc gì nó đến, tâm mình bình thản thì không cần phải hỏi thiền mà mình đang sống trong thiền. Cho nên quý vị cứ tụng kinh đi, đừng có sợ gì hết. Sợ đi chùa phải tụng kinh, rồi không tụng kinh thì không được đi chùa, hay là không ăn chay không được đi chùa, không ăn chay không được tụng kinh. Không phải chuyện đó

Vấn đáp 6: Xin thầy hoan hỷ giảng giải chuyệt Đạt ma sư tổ an tâm cho Nhị tổ

Đáp: Cái này là một câu chuyện giữa Ngài Huệ Khả và Ngài Đạt ma tổ sư. Truyền thuyết kể rằng khi Đạt ma tổ sư từ Ấn Độ sang Trung Quốc, Ngài lên núi Tung Sơn ngồi thiền, xoay mặt vào trong vách 9 năm. Người ta không biết Ngài tên gì, chỉ biết ông thầy tu này từ Ấn Độ qua mà ngồi xoay mặt vào trong vách 9 năm như vậy. Cho nên người thời đó đặt cho Ngài cái tên là “Diện Bích Bà la môn” tức là ông tu sĩ bà la môn ngồi xoay mặt vào trong vách. Lúc đó tiếng tăm của tổ được vang xa thì lúc đó có một người đi đến quỳ trước hang động của tổ để xin chỉ dạy. Sau một hồi những câu chuyện đối đáp thử thách thì tổ Đạt ma quay ra gặp vị đó tên là Thần Quang và hỏi: “ông đến đây để làm gì? Ông muốn cầu gì?”. “Dạ bạch thầy, tâm con không an, xin Ngài an tâm cho con”. Thì lúc đó Tổ nói :”Được! giờ ông mang cái tâm không an của ông ra đây ta an cho”. Để đi tìm tâm bất an đó thì Thần Quang phải ngồi xuống lắng tâm đi tìm tâm bất an. Mà khi tâm lắng xuống rồi thì có an không? An! Lúc đó tìm bất an ra không? Không ra. Cho nên mới nói: “dạ thưa thầy con tìm tâm bất an không có ra”. Lúc đó tổ Đạt ma mới trả lời: “vậy thì tôi đã an tâm cho ông rồi”. Vậy thì thưa đại chúng cái tâm an và bất an từ đâu ra? Có phải Thượng đế cho mình an không? Có phải Phật cho mình an không? Không phải! cũng cái đó thôi. Nếu tâm mình an thì ở đâu mình cũng an được hết. 

“An vui nơi này, an khắp mọi phương
Tình thương sẽ trải dài sự sống
Tôi đi vững trên bàn chân 
Mắt tôi nhìn xa, lòng tôi thảnh thơi”

Bởi vì mình thấy rất rõ nếu tâm bất an thì ở đâu cũng sẽ không an. Đức Phật xác định trong kinh Pháp Hoa:

“Tam giới bất an
Do như hỏa trạch”

Đời này là ở trong 3 cõi, mà ba cõi này như nhà lửa. Ông Tô Đông Pha có 7 bà vợ. Một hôm Ngài Phật Ấn đến nhà Tô Đông Pha chơi thì Ngài Phật Ấn mới thắp lên 7 cái lò lửa. Ngài Phật Ấn cả đêm cứ nhảy qua nhảy lại 7 cái lò lửa đó. Ông Tô Đông Pha bước vô thấy hỏi: “Ngài đang làm gì vậy? Ngài không sợ lửa nóng sao?”. Ngài Phật Ấn nói “tôi thấy ông có 7 cái lò còn nóng hơn tôi” (cười). Câu nói vậy thôi làm Tô Đông Pha tỉnh ngộ. 

Vấn đề ở đây chúng ta thường nói là “tu tâm”. Khi mình tu tâm là mình biết nhìn lại cái tâm mình nó đang hiện hành như thế nào để chúng ta tu nó. Người nào mà nói rằng “tôi không cần đi chùa, tôi không cần tụng kinh, tôi không cần ăn chay. Tôi tu tâm”. Biết tâm mình ra làm sao mà tu? Nếu muốn tu tâm thì phải biết tâm mình ngắn, dài, mập, ốm như thế nào để mà tu. Nếu mình không biết tâm mình là tham, là sân, là mạn, là nghi…đủ thứ hết làm sao mà tu? Cho nên muốn tu tâm thì phải rõ tâm mình là gì để mà tu chứ không phải nói đơn giản là “tu tâm”. Tâm mình bất an. Lý do gì bất an? Là do mình xốn xang mình nhiều việc, bây giờ mình ngồi lắng xuống thì tâm bất an không có. Đã không có thì làm sao mà an? 

Một lần khác, một người khác hỏi: “bạch thầy, xin thầy hãy giải thoát cho con”. Vị tổ trả lời: “Ai trói ông?”
Người ta nói một câu xong về nhà người ta ngủ khò, còn ông ôm câu đó tự trói mình trong câu đó. Nhà Phật có câu: “Thập triền thập sử”. Triền là cột, sử là sai. Nó cột mình lại rồi nó sai biểu mình đi. Một khi cái giận nó cột mình lại rồi thì mình đi theo cái giận đó. Cái si nó cột mình lại rồi là mình chạy theo cái si đó.


Vấn đáp 8: Nam mô A Di Đà Phật! Con muốn biết pháp danh của quý thầy có trùng tên không? 

Đáp: Thưa đại chúng, vấn đề đặt tên làm sao mà không trùng được? Bắt buộc là phải trùng thôi. Như có một lần Pháp Hòa tra chữ Pháp Hòa thì Pháp Hòa mới biết được là trong lịch sử, có những vị cao tăng ở Trung Quốc tên Pháp Hòa. Tất cả mọi pháp danh của mình đều có trùng hết. Nhưng mà truyền thống Á Đông của chúng ta là sợ phạm húy. Ví dụ đức Quan Âm có tên là “Quán Thế Âm Bồ tát”. Nhưng khi đến đời nhà Đường thì bị bỏ đi chữ “Thế”, chỉ còn gọi là Quán Âm vì lúc đó trùng tên với Lý Thế Dân – cao tổ khai sáng nhà Đường. 

Họ “Hoàng” là họ nguyên thủy, ở ngoài Bắc dùng họ Hoàng. Đến khi đi dài về phương Nam đến Huế thì trùng tên với một vị vua thời đó: “Nguyễn Hoàng”. Cho nên chữ Hoàng liền bị đổi thành chữ Huỳnh. Cho nên bây giờ, Hoàng với Huỳnh là cùng một họ, nhưng tùy địa phương mà được gọi là Hoàng hay Huỳnh. Vấn đề đặt pháp danh cũng vậy. Ví dụ mình đặt pháp danh cho Phật tử thì mình sẽ lựa và tránh tên những vị cao tăng, tôn đức thời cận đại với mình. Những vị xa xưa mình không biết thì thôi, cái đó không nói. Còn những vị gần với mình quá thì mình không nên đặt. Thí dụ những Phật tử có pháp danh là Thiện Hòa, Thiện Hoa, chúng ta không nên dùng vì hai vị tổ của Phật giáo Việt Nam mình gần đây nhất là Hòa thượng Thiện Hoa và Hòa thượng Thiện Hòa. Hai vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam cận đại. Mình biết như vậy mình tránh thì vẫn hay hơn. Thật ra trùng cũng chẳng tội lỗi gì nhưng theo truyền thống văn hóa của mình là tỏ lòng tôn kính.

Pháp danh là gì? Là cái tên để chúng ta ứng dụng đúng pháp. Tên Phật pháp mà. Ví dụ có một Phật tử pháp danh là Như Thật. Có nghĩa là hãy sống với cái chân thật như như, chân thật tuyệt đối. Như lúc nãy Pháp Hòa giảng, cuộc đời dù có thay đổi thì lòng mình vẫn như như không đổi. Ví dụ pháp danh Diệu Hiền, Diệu Tâm gì đó tức là sống với tâm Phật pháp, tâm vi diệu. Pháp Hòa: Pháp là phương pháp, Hòa là hòa thuận. Con đường hòa thuận hay phương pháp để hòa thuận gọi là Pháp Hòa. 

Vấn đáp 9: Xin thầy hoan hỷ chỉ cho: nhà của con từ ngoài cửa bước vào là phòng để con thờ Phật và cửu huyền nhưng trên lầu ngay phòng thờ là phòng của con gái con. Như vậy con của con có bị tội không? Vì có vài người nói không được nên con cũng hoang mang. 

Đáp: Thưa đại chúng, vấn đề thờ Phật là tự tâm mình phát nguyện. Thờ Phật theo đúng nghĩa của nhà Phật là chúng ta kính trọng bức hình của đức Phật. Thứ nhất là để nhớ ơn Phật. Thứ hai là để tưởng niệm công hạnh của Phật. Ví dụ như chúng ta tưởng nhớ cái ơn của thiền sư Vạn Hạnh đã giúp cho vua Lý Công Uẩn làm nên một thời đại. Và chính Vạn Hạnh thiền sư là người đã khuyên vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long tức là Hà Nội bây giờ. Nói chung là vì nhớ ơn các vị có công với đất nước nên chúng ta thường tạo hình, tạo tượng của các vị để tưởng nhớ công hạnh của các vị mà chúng ta noi theo. Đức Phật cũng thế. Chúng ta nhớ ơn Phật và nguyện học theo những hạnh của Phật nên chúng ta tạo hình ảnh, tượng Phật để chúng ta thờ. Khi thờ thì chúng ta cũng lựa vị trí khả dĩ nhất trong nhà của mình để thờ. Tuy nhiên, để tỏ lòng tôn kính, chúng ta không đem Phật để lên đầu tủ lạnh, hay trong phòng máng áo. Thật ra Phật không phiền gì những chuyện đó nhưng tâm mình sẽ hơi không an vì chúng ta kính mà chúng ta chưa làm được trọn vẹn lòng mình thì thôi mình tìm chỗ thờ Phật nào nhỏ nhỏ cũng được nhưng mà trọn lòng tôn kính. Cũng như tránh thờ Phật trong phòng ngủ của vợ chồng vì thật sự ra là do mình cảm thấy không yên thôi chứ Phật không có buồn gì hết. Nhưng do tự mình thấy không thoải mái vì chưa đủ tôn kính với Phật. Nói chung là mình kiếm chỗ nào đó trang nghiêm mình thờ, một tượng cũng được. Nếu không có chỗ thì cũng không nhất thiết phải thờ. Mình lựa một bức hình của Phật treo trong phòng khách để mình đi tới đi lui nhìn hình Phật để học cái hạnh của Phật cũng được. Không nhất thiết phải có lư hương, chân đèn, hoa trái. Có thì chúng ta dụng, không có cũng không sao.

Vấn đáp 10: Xin thầy giải thích thế nào là Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa?

Đáp: chữ “Thừa” nghĩa là xe. Xe thì có xe nhỏ xe lớn. Xe lớn thì chở đông người. Ví dụ như mini van thì chở 4 người, còn xe bốn cửa thì tối đa là 5 người. Xe nào cũng là để phương tiện chở người. Còn vấn đề nhỏ lớn thì tùy theo kích thước xe mà chở. Xe nhỏ không được chê xe lớn và xe lớn không được cười xe nhỏ. Ở đây chữ “Thừa” nghĩa là cỗ xe. Thời gian gần đây chúng ta hay nói là không nên dùng 2 danh từ Tiểu thừa và Đại thừa vì có thể tạo ra hiểu lầm là có chê khen trong vấn đề này. Tiểu thừa nói đúng ra là “nguyên thủy”.

Thời Phật, Ngài không có chia phe, chia tông, chia phái gì hết, chỉ là một tăng đoàn. Nhưng sau đó quý thầy ngồi lại với nhau và nói rằng “thời buổi sau này con người càng văn minh tiến bộ, chúng ta cần phải phát triển, hội nhập với thời đại để chúng ta đi gần, đi sát với quần chúng chúng ta hướng dẫn”. Có một số vị không đồng tình. Thì ai không đồng tình thì giữ nguyên như thời Phật thì gọi là “Nguyên thủy”, hồi xưa gọi là Tiểu thừa. Chư vị này đi về phía Nam của Ấn Độ nên còn có một danh từ nữa là “Nam tông” hay là “Nam truyền”. Còn các vị đi về phía Bắc gọi là "Bắc tông" hay là “Bắc truyền”. Các vị này là phát triển, tức là hội nhập theo thời đại nên gọi là “Phật giáo phát triển” hay là “Phật giáo Đại thừa”. Nhưng mà dù là đại thừa nhưng vẫn phải học theo những cái nguyên thủy. Chúng ta phải học những cái gốc, cái nguyên thủy để phát triển, giảng diễn cho rộng hơn nữa để đi gần quần chúng.
Giống như về đây quý vị thấy các thầy giảng gần quần chúng. Tức là quần chúng thích những gì thì mình sẽ đáp ứng để đưa người ta trở về chùa. Ví dụ quý vị thích hát, thích vui vẻ, thoải mái, không bị buồn ngủ thì các thầy cũng sẽ hát. Hát giúp cho mình tỉnh táo một chút. Đó là phương tiện làm sao để hội nhập được. Ví dụ như ăn chay. Ăn chay nói đúng ra là “ăn trai”- ăn những món ăn trong sạch tinh khiết. Mình nói riết thành “ăn chay”. Nhưng vì có những người ăn chay không quen, không ăn nổi đậu hủ, nước tương, rau luộc thì bây giờ buộc lòng phải làm các món như tôm hùm, cá kho… từ nguyên liệu là đậu hủ, mì căn…và đặt tên rất Phật như: gỏi Bát Bửu Phật Đài, canh Nam Hải Quan Âm, cơm Hương Tích. Người ta hỏi “Hương Tích là gì?” mình buộc lòng phải nói đại khái nó na ná như cơm Dương Châu (cười). Vì người ta ăn mặn qua món đó rồi thì bây giờ mình nói khái niệm nó tương tự như vậy cho dễ hiểu. Hiểu như vậy tự nhiên mình không phiền muộn gì nữa. Nói chung, không có vấn đề gọi Tiểu thừa Đại thừa để chê khen lẫn nhau mà chỉ có ý là ai có thể chở được nhiều, ai có thể chở được đủ cái xe của mình mà thôi. Để tránh trường hợp hiểu lầm thì chúng ta nên gọi là Nam truyền và Bắc truyền. Còn không là Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo phát triển. Ví dụ ngày xưa các thầy phải quấn y. Phật giáo truyền đến Trung Quốc, Việt Nam thì sự quấn y không còn hợp nữa thì phát triển thành áo tràng màu nâu mặc đi đường cho gọn. Hồi xưa mặc sà rông một ống đi lại khó khăn thì bây giờ là sà rông 2 ống. Cũng là cái sà rông đó thôi nhưng 2 ống đi đứng cho dễ. 

Vấn đáp 11: Xin thầy cho con hỏi trong khi con ngồi tụng kinh con mời cửu huyền về đọc chung với con có được không?

Đáp: Dạ cái này thì lòng thành của mình, muốn mời thì cứ mời. Các vị có về không là quyền của các vị. (cười). Cũng giống như có người quan niệm đi hộ niệm đám tang trong nhà quàng, ra xe, lên xe đóng cửa lại, lái xe ra công viên, đừng có đi thẳng về nhà vì sợ ma theo mình về nhà. Mình đi tới công viên mở cửa xe mời ma xuống (cười). Hôm trước có câu hỏi như vậy. “Con đậu xe trong công viên mời ma xuống”. Pháp Hòa mới nói “nếu họ không xuống thì làm gì được họ?”. “Trời Phật ơi mình làm như ma ngốc lắm vậy đó” (cười). Họ mà muốn theo mình rồi thì ở đâu họ cũng theo được. Nhưng mà không có việc đó đâu. Không hề có chuyện đó. Mình không cần phải làm chuyện đó. Quý vị đi hộ niệm thì cứ đi hộ niệm. Đó là tâm thành của mình muốn trợ duyên cho người mất. Thứ hai là chia sẻ, an ủi với người sống khi họ mất một người thân. Giữ cái tình của mình với người đi kẻ ở. Đem tâm thành của mình trợ lực cho người mất cũng như chuyển đổi tâm của người sống là tốt rồi. Công đức vô lượng. Không có ma cỏ nào theo mình. Mình đến tụng cho người ta, người ta mừng vui không hết chứ mắc gì theo mình. Làm như là ai cũng theo mình vậy (cười). 

Vấn đáp 12: Con đọc kinh thấy câu “Thước ca ra tâm vô động chuyển”. Con kính xin thầy hoan hỷ giải thích .

Đáp: Câu này xuất phát trong kinh Lăng Nghiêm do Ngài A Nan phát nguyện. Ngài phát nguyện rằng: 

“Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong
Thước ca ra tâm vô động chuyển”

“Thuấn nhã đa tánh” là cho dù tánh hư không này có tiêu mòn đi nữa thì cái tâm bồ đề, tâm kiên trì của con vẫn không thay đổi. Tâm đó gọi là “thước ca ra”. Đó là tiếng phiên âm nghĩa là tâm bồ đề, tâm kiên trì, tâm vững chải. Hư không làm sao hết được? Nhưng cho dù hư không có hết thì tâm của mình cũng không thể hết. Thế giới vô tận, chúng sanh vô tận, nghiệp và phiền não cũng đều vô tận. Nguyện con cũng thế, sẽ là vô tận. Ngày nào mình còn sống ở đời là ngày đó còn nghiệp, còn sân si phiền não thì ngày đó mình còn tu. Quan trọng là mình biết nó để tu là mừng rồi. Có nhiều khi nó tới mình không hay, còn mời nó vô nữa. 

Vấn đáp 13: Vì sao khi nghe tiếng “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” là con khóc không cầm được nước mắt.

Đáp: Thưa đại chúng, khi mình tụng kinh, nghe pháp mà khóc, nó không có sao hết. Đó là một trạng thái thiện trong tâm mình. Pháp Hòa kể chuyện này đại chúng nghe. Hồi nhỏ Pháp Hòa ham tụng kinh lắm. Lúc Pháp Hòa đi tu, chiều nào đi học về Pháp Hòa cũng tụng sám hối Lương Hoàng Sám. Khi mình có thời gian nhiều để tụng kinh thì mình thấy trong lời kinh hay quá, tự nhiên mình bật khóc. Khóc nức nhở không phải một lần mà nhiều lần. Pháp Hòa tụng kinh Pháp Hoa từ nhỏ đến lớn, vậy mà có một năm đó Pháp Hòa tụng đến phẩm thứ 3 đoạn “chúng con là những người ở trong nhà lửa Tam giới thiêu đốt. Còn Phât là người cha đã dẫn dụ chúng con ra khỏi nhà lửa này”. Đọc tới đó tự nhiên mình cảm xúc. Mình cảm thấy mình quả thật là những người con ở trong nhà lửa đau khổ mà không biết cứ chạy nhảy Đông Tây tranh giành đủ thứ. Rồi Phật đem hết mọi phương tiện dẫn mình ra khỏi nhà lửa đó. Có lần Pháp Hòa đem chuyện của mình lên trình với một vị hòa thượng thì Ngài dạy như thế này: “Khi mình đi quy y thọ giới mình khóc là mình đắc giới”. Đắc giới nghĩa là mình cảm xúc ngày hôm may mình lại tiếp nhận được cái này mà mình nghĩ là không bao giờ được. Đời này mình tụng kinh, mình nghe danh Phật mình khóc là chủng tử đời trước mình đã từng tiếp xúc rồi. Cho nên đời này mình nghe lại tự nhiên mình thấy có cái gì nó thân thương quá. Ví dụ nếu quý vị xa Việt Nam 30 năm mà ở một nơi không hề có người Việt. Một ngày nào đó tự nhiên nghe lại tiếng nước Việt của mình, mình khóc không? Khóc! Cảm xúc lắm. Có một lần Pháp Hòa đi đến một thành phố để tụng kinh cho đám tang. Thì khi về Pháp Hòa nhận được lá thư của một Phật tử “bạch thầy, chúng con ở đây là một nhóm người Việt khoảng chừng 20-30 gia đình. Suốt 30 năm trời, chúng con không hề nghe được tiếng tụng kinh bằng tiếng Việt. Hôm nay thầy đến đây tụng một bài kinh tiếng Việt, chúng con nghe mà mừng quá”. Cho nên bây giờ đừng có lo. Ví dụ như mình khóc mà khóc có cảm xúc thì là do chủng tử thiện của mình. Pháp Hòa năm nay nữa là đúng 30 năm chưa về Việt Nam. Mà trong lòng Pháp Hòa nhớ lắm. Nhớ Việt Nam lắm. Nhớ những ngôi chùa hồi nhỏ mình đi sinh hoạt mình được hầu quý hòa thượng. Cho nên năm nay Pháp Hòa làm bài thơ:
 
 “Đã nửa đời người xa cố hương
Trong tôi vẫn giữ một niềm thương
Vẫn nhớ hàng dừa con sông nhỏ
Nhớ cảnh đồng quê nhớ phố phường”

Có những đêm Pháp Hòa chiêm bao thấy mình trở về Việt Nam đi tới những ngôi chùa hồi nhỏ, đứng trước cửa chùa khóc. Khóc nức nở trong chiêm bao vậy mà khi giật mình tỉnh dậy gối mình ướt hết vì đã khóc thật trong chiêm bao. Pháp Hòa tụng kinh khóc hoài chứ gì. Tụng kinh Đại Bát Niết Bàn, mỗi lần tụng đến phẩm cuối cùng là phẩm diễn tả lại cảnh đức Phật mất. Khi Phật nhắm mắt lại rồi thì Ngài A Nan vỗ ngực: “thôi rồi! thôi rồi! thế gian trống rỗng, thế gian trống rỗng. Con mắt của mặt trời đã tắt, con mắt của mặt trời đã tắt”. Đọc tới câu đó là Pháp Hòa khóc ròng ròng. Mà lần nào tụng bộ kinh Niết Bàn tới đoạn đó là khóc. Bây giờ quý vị qua Ấn Độ xem, đi đến nơi đức Phật nhập Niết Bàn, bước vô chỗ đó là tự nước mắt mình trào ra, không ai biểu. Có một năm Pháp Hòa đi cầm tấm y vô định là sẽ đắp lên tượng Phật nhập Niết Bàn. Tự nhiên mình cảm giác như mình là một phần tử dự tang lễ của đức Phật. Khóc nức nở. Đi đến cây Bồ Đề của Phật, khóc như chưa bao giờ được khóc. Mình tụng kinh nhiều khi có lời kinh rất thấm thía nên Pháp Hòa thích tụng kinh ban khuya, ngồi trong phòng đọc kinh xong rồi khóc vì thương Phật. Có những lời Phật nói rất thấm thía, rất thật, rất gần gũi với chúng sanh mình. Mình thấy hạnh phúc vì được làm đệ tử Phật, được bơi lội trong biển hồ giáo pháp của Phật. Bây giờ mình có Phật mà mình không tu thì uổng quá. Cho nên quý vị có khóc cũng không sao. Chùi khô rồi tụng tiếp (cười)

Vấn đáp 14: Thưa thầy, vì sao trong giấc chiêm bao con hay thấy con bay trên mây khỏi mặt đất và khi con ngồi niệm Phật con thấy cụm mây xoáy trong đầu con.

Đáp: Cái này gọi là vọng tưởng. Thưa đại chúng khi mình ngồi thiền, tụng kinh nếu có thấy hiện tượng lạ thì đừng có theo dù là Phật. Ngài Lâm Tế xác định với chúng ta: 

“Phùng Phật sát Phật
Phùng ma sát ma”

Nghĩa là gặp Phật phải giết Phật, gặp ma phải giết ma. Vì Phật mà chúng ta thấy trong khi ngồi tu đều là “Ngũ Ấm ma” biến hiện ra hết. Trong Ngũ ấm nó là “Tưởng ma”. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Cái gì mình thấy trong khi ngồi tu thì nó là ma Tưởng trong Ngũ uẩn ma. Còn nếu chúng ta ngồi tu mà cảm thấy thân thể mình như thế này thế kia là con ma của Sắc. Rồi mình cảm giác lạnh, ai đi ngang, ai khều, ai móc, đó là gì? Đó là Thọ, là những cảm nhận. Đừng có theo nó và cũng không sợ nó. Một thời gian nó sẽ hết. Vì thông thường chúng ta chiều theo nó. Nó muốn là mình chiều. Hôm nay mình không chiều theo nó thì nó phá. Chữ “phá” ở đây là nó biến hiện. Ví dụ như thông thường mình ngồi thiền hay ngồi coi phim, hễ nó ngứa cái mình gãi, hễ đau lưng là mình nhúc nhích. Mình cứ chạy lăng xăng cả buổi vậy đó. Nhưng mà bây giờ ngồi thiền mình bắt cơ thể mình ngồi im, bắt tréo chân, bắt đầu những cái đó nó đi nó kiếm. Nó làm cho lỗ tay mình hơi nhột nhột, cái mặt mình nó ngứa ngứa, cái lưng mình đau đau. Rồi mình có cảm giác gió ở đâu nó hừng hực sau lưng hay mình lạnh lạnh. Tất cả những cái đó đều gọi là ngũ ấm ma hết. Mà trong kinh Lăng Nghiêm nói có 50 loại nó biến hiện. Chẳng qua là tại mình có thân, có Sắc, có Thọ, có Tưởng, có Hành, có Thức, 5 cái đó nó biến hiện khi chúng ta không chiều theo thân. Đừng sợ cũng đừng theo. Thấy cũng Phật cũng không vui mà thấy ma cũng không sợ. Mình muốn thấy Phật tức là mình phải sợ ma vì Phật, ma là 2 cái đối lập. Nó biết mình sợ ma thì nó cho mình thấy. Mà chẳng có con ma nào hết, chẳng qua là do mình tưởng tượng. Chưa có ai thấy ma bao giờ. Có người nói họ thấy ma. Hỏi ma nó ra làm sao thì nói là “tóc xõa trước che mặt, mặc đồ trắng, lưỡi le ra”. Tại vì mình từng thấy mấy cái hình người ta vẽ ma là vậy chứ thật sự có ai thấy con ma thiệt nó ra làm sao? Những hình Phật bây giờ mình thấy là vẽ hết, không có ai thấy được tướng thật của Phật hết. Do mình nhìn những hình ảnh đó lâu ngày rồi nó đi sâu vô thôi. Nhưng mà mình nhìn hình Phật đỡ hơn là mình nhìn hình ma. Khi mình treo hình Phật trong nhà, mình nhìn Phật thì tâm mình khởi thiện. 

Trong kinh Bát nhã nói” điên đảo vọng tưởng”. Điên là sai, đảo là ngược. Điên đảo là thấy sai, thấy ngược. Mà đã điên đảo vọng tưởng thì làm gì có được “cứu cánh Niết Bàn”? Bây giờ muốn có Niết Bàn thì phải “viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết Bàn”. Cho nên mình phải học thấy chân thật là vậy. Thấy cái gì cho nó đúng. Cứ ngồi tưởng tượng là không được. 

Vấn đáp 15: Có điều lệ tu Bát quan trai Phật tử không được son phấn nhưng con đã lỡ xâm môi, thêu chân này, xâm mí mắt và phun má hồng. Con không thể lau được vậy con có dự khóa tu được không? 

Đáp: Được! không sao hết tại lỡ xâm rồi. Bây giờ mà hổng cho xâm mình mất một member sao? (cười)

(Ghi chép lại từ bài giảng của thầy Thích Pháp Hòa trên kênh Youtube Pháp Thoại Thích Pháp Hòa)

Bài mới

HƯƠNG ĐỨC HẠNH KHÔNG NGỪNG BAY XA
Cho tới hôm nay, “hạnh đầu đà” không còn là cụm từ xa lạ. Nhắc đến nó ta sẽ nghĩ n...
NHỮNG LỜI CHIA SẺ CỦA THẦY MINH TUỆ
NHỮNG LỜI CHIA SẺ CỦA THẦY MINH TUỆ, Sáu năm qua con không là nhân sự ở chùa nào. ...
Hiện tượng hành giả Minh Tuệ
Hiện nay Phật giáo tại VN được chia ra một số tông phái chính, nhưng cơ bản là tru...
Tỏa ánh lưu ly 1 - giảng Kinh Dược Sư - Thầy Thích Pháp Hòa
Đức Phật Dược Sư ở phương Đông còn Phật A Di Đà ở phương Tây. Trong 4 hướng, hướng...
Biên kiến là gì? Bài Kinh Phật dạy về chấm dứt sự TRANH CÃI - Thích Pháp Hòa
Bài kinh này là bài kinh nói về gốc rễ của độc tài, của bạo động là do chúng ta nh...
Lợi ích Sám hối. Tụng sám hối hồi hướng cho cha mẹ như thế nào? Sự khác nhau giữa các phá...
Pháp Hòa hay ví dụ sám hối như chúng ta ăn cơm mà có một chén canh. Không cần biết...
Chân thường, chân lạc, ngân ngã, chân tịnh - Thích Pháp Hòa
Có nghĩa là chuyện thay đổi trên đầu, tóc, da nhăn là chân thường. Và còn cái chân...
Niết bàn là thế nào? - Thích Pháp Hòa
Khi chúng ta diệt được cái sanh tử, độ được cái phiền não là Niết bàn. Niết bàn kh...
Kinh nghiệm chữa bệnh trào ngược dạ dày thực quản của cựu diễn viên Tăng Thanh Hà - Tăng ...
Tôi đã trãi qua một cuộc hành trình điều trị bệnh dạ dày khá gian nan. Tôi bị trào...
Hiểu về Bát quan trai giới - Thích Tuệ Sỹ
TU GIỚI Phật pháp như thuốc hay, nhưng tùy theo căn bịnh. Có điều, không phải như ...

Are you sure?