Biên kiến là gì? Bài Kinh Phật dạy về chấm dứt sự TRANH CÃI - Thích Pháp Hòa

Biên kiến là gì? Bài Kinh Phật dạy về chấm dứt sự TRANH CÃI - Thích Pháp Hòa

Mình nói hòa bình nhưng mà cuộc sống mình thì thường tranh cãi. Tranh cãi là gì? Tranh là gì? Tranh nghĩa là ở trong cuộc cãi mình muốn cãi, mình muốn phân bua, mình muốn phân tích cái quấy và cái đúng. Đó là cái phải và cái sai. Để chi? Nhưng mà khi phân tích như vậy, là mình sẽ dành cái phần phải về mình. Cho nên hai chữ tranh, cãi đi với nhau. Nói cách khác nữa, nói cho dễ hiểu nữa, cãi là một hình thức chống. Thí dụ như người đó nói cái ý đó ra, mình chống lại liền. Mình chống nhưng sau đó mình đưa cái lý của mình vô. Để chi nữa? để mình dành cái hay, cái đúng về mình. Sở dĩ mà chúng ta cãi nhiều là tại mình ăn chay. Ăn chay ăn cải không à (cười). Nói đùa thôi, nhưng mà Pháp Hòa giải thích cho đại chúng chữ tranh cãi là vậy. 

Theo định nghĩa, “cãi” có nghĩa là chúng ta bàn cãi phải, quấy. Nhưng mà khi nói phải, nói quấy có nghĩa là mình chống lại ý kiến kia. Mà chống mới có cãi. Mà hễ chống nghĩa là mình phải đưa cái lý của mình vô để mình dành phần thắng về mình, dành cho mình phần phải. Cho nên gọi là “tranh”. 

Rồi nếu mà người ta không cãi bằng miệng lưỡi thì người ta sẽ chiến đấu. Chiến đấu gọi là chiến tranh. Chiến là phải bạo lực, phải đánh, phải lấn để người ta tranh giành cái phần đất, phần lãnh thổ đó về cho người ta. Cho nên về miệng thì tranh cãi, mà về tài sản, vật chất, đất đai, địa vị là mình phải chiến đấu, mình phải chiến tranh. Cho nên mình phải gây chiến tranh, phải có chiến, phải đánh thì người kia mới có thua, thua thì bắt đầu mình mới lên mình ngồi đó.

Nhưng mà cuộc sống này mình chiến tranh xong thì mai mốt người khác bất đồng với mình và người ta sẽ tiếp tục chiến tranh với mình. Cho nên cái mà mình cho mình đúng, cái đó là ở một khía cạnh của mình thấy, mình nhìn thôi, chứ nó không phải là chân lý. Điều đó được đức Phật gọi là một thứ “kiến”. 

Đạo Phật dạy chúng ta có 5 cách thấy. Thí dụ mình thấy lệch một bên gọi là “biên kiến”. Pháp Hòa ví dụ như một người nào đó, họ bài xích một điều gì đó, vì họ thấy cái lý của họ. Nhưng mà họ không thấy toàn diện. Mà thấy toàn diện thì nó khác, mà thấy một bên thì gọi là “biên kiến”. Mà hễ thấy một bên thì nhất định sẽ có tranh cãi. 

Pháp Hòa ví dụ như vầy: bây giờ Pháp Hòa ngồi phía này, thì quý vị hỏi “bình hoa này nó như thế nào?”. Thì Pháp Hòa nói: “ồ, bình hoa này trưng toàn là hoa màu cam”. Quý vị ngồi bên mé đó cãi liền: “Cam ở đâu mà cam! ở đằng trước trắng không mà cam cái gì”. Bây giờ chỉ có một người đứng cao hơn hai người ngồi kia, thấy có cam, có vàng, có trắng nói: “không! cái bình hoa này có đủ màu mà quí vị nói”. Người mà đứng ở trên người ta thấy toàn diện, còn mình đứng một phía mình thấy biên kiến. Cho nên mình hay bị hớ cái vụ này lắm. Ai mà vô thưa gửi gì với mình đó nghen, mình nghe xong mình đùng đùng mình ra liền. Ra xỉ vả người đó xong cái tới hồi người ta có cơ hội người ta nói cho mình nghe, mình nói: “ờ sao không nói sớm?”. (cười). Sụi lơ cán cuốc đi vô, không có một tiếng xin lỗi nữa. Có không?

Thấy một bên là biên kiến, thấy không đúng với sự thật là “Tà kiến”. Rồi mình chấp trước vào những giáo điều mà mình ghi nhận, mà mình nghĩ cái đó là đúng. Cái đó gọi là gì? “Giới cấm thủ”.Cho nên “biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ” và mình nhận ra những cái thấy đó là sự thật, là chân lý. Mà bất cứ cái thấy nào nó cũng đều chỉ là tạm thôi chứ nó không phải là chân lý. Mà mình dính vào cái thấy của mình cho là chân lý thì liền có tranh cãi. 

Mà có tranh cãi rồi thì một là người mà người ta có tu tập một chút, tranh cãi, người ta nói xong rồi người ta nhận ra: “Ồ được người kia nói, thì mình nhận: "à vậy là anh đúng, chị đúng nha. Tôi thôi, tôi nín”. Nhưng mà có nhiều người cãi ngang, dù có biết sai nhưng vẫn cãi tới. Nghĩa là chỉ thắng chứ không thể thua. Mà người chỉ thắng không thể thua thì sao? Cuối cùng thì phải có người chịu thua. Phải không? Nói: “thôi, tôi chạy làng, chịu thua!”. Ở đời nếu mà ai cũng muốn thắng hết thì làm sao? Cho nên cuối cùng rồi có người, người ta giỏi hơn một chút, tu tập giỏi hơn một chút, ngườ ta mệt mỏi rồi, nói: “thôi thôi! tôi chịu thua”. 

Có một bài kinh Đức Phật nói về sự tranh cãi. Có một lần Pháp Hòa đã chia sẻ với đại chúng một bài kinh Đức Phật nói về “hội chúng cao thượng”. Nếu mà quý vị nào chưa nghe bài đó, về tìm bài “Hội chúng cao thượng”. Đức Phật dạy rất hay về bài kinh đó. Hôm nay vì Pháp Hòa không muốn đem một bài Kinh dài, không có chia sẻ được hết. Hôm nay mình học bài kinh Đức Phật dạy về chấm dứt sự tranh cãi. 

Mình là những người tu, mình đi tìm chân lý bằng cách là mình học hỏi, mình tư duy. Ví dụ như hàng tuần quý vị chịu khó đi chùa nghe pháp, là để đi tìm cầu chân lý, đi học hỏi, rồi nghe xong rồi về suy nghĩ để mà mình áp dụng trong đời sống hàng ngày của mình. Rồi có nhiều khi mình đi vay mượn những cái thấy biết của người khác để làm cái thấy biết của mình. Tức là bản thân mình không có tư duy gì cả. Mình nghe người ta nói sao thì mình liền chụp cái đó mình đem ra mình ứng xử thôi, chứ còn bản thân mình không có tư duy. 

Pháp Hòa nhiều khi đi đây đi kia, người này, người kia nói: “con có chuyện muốn nói riêng với thầy”. Mà Pháp Hòa nghe cái chữ đó là Pháp Hòa không biết chuyện gì, bắt đầu tim mình nó đập mạnh hơn bình thường (cười). Đi vô đó thì người ta nói chuyện của chồng, của vợ họ gì đó, thì thỉnh thoảng mình mất chánh niệm. Mình nghe xong cái mình nói: “vậy hả? ổng quá đáng vậy hả?”. Thế này, thế kia …(cười). Tới hồi mình nghe ổng rồi, thôi vậy là “mùng một với ngày rằm” (cười). Cho nên khi mình nghe hai bên rồi thì mình mới có cái nhận cho nó đúng. Cẩn thận cái đó. 

 Đôi khi trong cuộc sống của mình, mình tu mình cũng tỉnh dữ lắm chứ nhưng mà thỉnh thoảng nó cũng xỉn một chút (cười). Nghe xong là đùng đùng. Mà thứ nhất là cái đó nó đụng chạm tới ai? cái mà mình đùng đùng dễ nhất là khi đó, cái câu chuyện gì đó nó đụng chạm tới cá nhân của mình, mình mất hết bình tĩnh. Còn ví dụ mình nghe người kia nói: “ồ chị có biết anh kia ảnh nói anh nọ như thế nào không?”. Không phải mình, cho nên mình cũng còn đạo mạo một chút: “Thôi đừng có nghe người ta nói, biết chắc không? thế này thế kia, mình khuyên nha. Nhưng mà nếu mà người kia nói: “để tôi nói chị nghe, bữa hôm hai tuần lễ chị không đi tới chỗ nọ đó hen, nó nói chị quá trời”. “vậy hả? nó nói gì tôi?”. Bắt đầu là mình đùng đùng lên. Có nhiều khi chưa xong là mình chụp cái phone lên mình nói liền rồi. 

Mình là những người đi tìm chân lý bằng cách học hỏi, tư duy hay vay mượn những cái thấy của người khác. Cái chân lý ấy không phải là chân lý, vì đó không phải là sản phẩm của trí tuệ. Nó chỉ là sản phẩm của trí năng. Tuần rồi đi giảng ở Mỹ thì có một phật tử đưa lên câu hỏi là làm sao để mình dùng những cái trí thức của mình để mình giảng dạy Phật pháp? Thì Pháp Hòa mới trả lời rằng Phật Pháp là cái thậm thâm vi diệu, cái cao sâu mầu nhiệm. Nếu mình lấy cái trí thức, thì bất quá mình chỉ có thể nghe, hiểu, rồi giải thích thôi chứ còn nói không cùng của cái biển Phật pháp, chỉ trừ người có trí tuệ. Chỉ có trí tuệ mới có thể giảng rõ và sâu sắc về đạo lý. Còn mình đem cái trí thức, tại sao? Tại trí thức là cái hữu hạn, và trí thức là của người ta chứ không phải của mình. Pháp Hòa ví dụ: người ta dạy mình lấy bột làm bánh, dạy rất kỹ. Rồi sau đó mình học, mình biết, thì cái mà mình biết làm bánh đó là cái của ai? công thức của người ta! Thì cái đó chỉ là cái học thức, là cái trí thức. Tức là cái trí do người khác cho mình. Trừ khi nào mình suy nghĩ cái đó, rồi mình thêm thắt một lần này mình làm hư, ngày mai mình giảm bột xuống để coi coi nó có như thế này, như thế kia… thì cuối cùng mình phát minh ra được một cái món đó, mà do chính sự phát minh của mình.

Hay là trong khi đó mình mượn tạm cái trí thức người ta trao truyền để rồi mình làm, mình kinh nghiệm, và mình sản xuất ra công thức hay hơn là cái người kia đưa nữa. Nhờ mượn cái căn bản đó để tạo cái trí tuệ. Người tu mới có trí tuệ. Còn nếu mà hàng ngày mình đi nghe giảng để mình cũng có trí tuệ, nhưng mà trí tuệ đó là trí tuệ tạm do ngôn từ mà chúng ta có được. Còn do tư duy, do tu tập, do quán chiếu, do kinh nghiệm là nó khác nữa. Nhưng mà thường thường thì cái kinh nghiệm đó rất hay. Do mình đụng chạm hàng ngày, mình đối diện hàng ngày rồi mình phát minh ra được.

Bài kinh này là bài kinh nói về gốc rễ của độc tài, của bạo động là do chúng ta nhận cái thấy biết của mình là chân lý. Chỉ có mình là chân lý thôi, người khác không có chân lý. Điều này đưa đến mọi sự tranh cãi. Và đôi khi người ta nín không có nghĩa là người ta sợ mình. Mà nếu mà nói sợ không phải là người ta sợ mà người ta “kính” mà nói đúng hơn là người ta “ngán”. Ngán này không phải là sợ mà ngán này là gì? là bưa quá rồi. Có nhiều khi người đó nói gì nói, mình không muốn cãi nữa là tại vì sao? Mệt mỏi! 

Cho nên, mình nói gì không ai cãi gì được với mình nữa là vì người ta biết có cãi cũng vô dụng, vô nghĩa vì mình không bao giờ mình chấp nhận điều người khác nói. Chỉ có mình là có chân lý thôi, còn người khác là chân không, chân què, chân cụt, có mình là chân nguyên thôi (cười). Nguy hiểm! 

Bài Kinh này Đức Phật giảng có ông bà la môn, ông Phạm Chí tên Mãnh Quán. Trong một pháp hội có 500 vị a-la-hán, có rất nhiều vị quan trọng, trong đó có bốn vị thiên vương từ bốn phương về nghe pháp. Vị Phạm Chí tên là Mãnh Quán vẫn nghi ngờ rằng “không chắc vị đạo sư này là người nắm được chân lý tuyệt đối”. Do đó Phật nói Kinh này. 

Điều thứ nhất Phật dạy: “Ai cũng có quan điểm của mình về chân lý và đối phương cũng thế. Ai cũng nghĩ mình là người có cái thấy cao nhất và muốn diễn bày cái thấy ấy ra. Ai có được cái thấy ấy thì người ấy mới thấy được Pháp, còn kẻ khác dù đi khắp nơi cũng không thấy được một góc nhỏ nào của sự thật.”

Tức là trong tất cả chúng ta ai cũng có quan điểm của mình về chân lý. Mình có quan điểm của mình thì người khác cũng có quan điểm của người ta. Và ai cũng muốn diễn bày cái thấy của mình. Người nào hiểu được điều này thì người đó mới là người thấy pháp. Nếu ai cũng nhận ra được điều này thì sự tranh cãi sẽ không có, hoặc nếu có thì sẽ chấm dứt. 

Ví dụ quan điểm của tôi là muốn để cái ly ở vị trí này vì không muốn cái gì che mặt thầy hết. Đây là một quan điểm. Người khác có quan điểm khác nói :”anh không thể để cái ly này ngay đây được. Lý do là vì máy quay phim nằm ngay góc này. Nếu anh để như vậy bị cản máy, người khác không thấy, mà nếu thầy lỡ quơ tay trúng là ly rớt xuống”. Đây cũng là một quan điểm và ai cũng có thể trình bày quan điểm của mình. Vậy thì ai cũng có quan điểm của mình và ai cũng muốn trình bày quan điểm của mình. Vậy thì tại sao mình có thể trình bày quan điểm của mình mà người khác thì không thể? Nhiều khi mình ỷ vai vế to rồi mình ép người ta nín, không được nói, không được trình bày quan điểm của mình? Nếu mà người nào hay nói “nín! Đừng có cãi”, thì người đó là người không thể thấy pháp. Thấy pháp chính là thấy lẽ thật. 

Điều thứ hai: "Vì thiên hạ chấp thủ như vậy nên mới sinh ra tranh cãi loạn xị. Ai cũng nói rằng kẻ kia si mê, ta mới thật sự là người có trí tuệ. Vậy thì trong tất cả các sự thật ấy, cái nào mới thật sự là sự thật? Bởi vì ai cũng nói chỉ có mình là đang nắm được chân lý."

Chữ “chấp thủ” tức là nắm chặt. Có hai thứ chấp. Thứ nhất là “chấp ngã”, mình nắm chặt về mình “tôi là người có học mà. Tôi học có bằng cấp đàng hoàng mà”. Còn một cái chấp nữa là chấp cái thuộc về mình gọi là “ngã sở”. Ngã là mình, ngã sở là cái thuộc về mình. Nhưng mà trên đời này có cái gì thật sự thuộc về mình không? Không! Chính cái thân này cũng không thuộc về mình. Ví dụ “cái phổi này của tôi”, nhưng khi vừa nghe nói cái phổi này nhiễm độc phải cắt, chạy vào năn nỉ bác sĩ cắt giùm. Hoặc có người không muốn cắt nhưng bác sĩ nói không cắt là chết thì mình cho cắt ngay. Bác sĩ nói cắt là cắt, mà nhiều khi bác sĩ khám trật mình cũng không biết vì mình có biết gì đâu? Như vậy thì có phải là của mình không? Ví dụ lỡ mình không được đẹp lắm rồi mình đi thẩm mỹ viện chỉnh sửa đồ giả vào, như vậy thì có phải là của mình không? Đâu có phải! Không có gì chắc chắn là của mình cả. Có người đem dĩa trái cây rất đẹp vô nhà quàng cúng, cúng xong định đem về cái có người nói “không được đâu đồ xui đừng có đem” cái mình cũng “thôi! Thôi! Bỏ. bỏ”. Mới hồi nãy cái dĩa mình nói là của mình mà nghe người ta nói xong là mình bỏ. Nhờ vậy mà chùa có nhiều dĩa đẹp lắm (cười). 

Do ai cũng nói mình là người nắm giữ chân lý nên người ta mới nghĩ ra kế để đi tìm người chân thật. Có một ông vua muốn truyền ngôi lại cho người có tấm lòng chân thật nên vua đưa ra hai hạt đậu và nói “trong vòng 7 ngày, người nào trồng được hạt đậu này mà nó nẩy mầm nghĩa là người đó có tấm lòng chân thật nên cây cối mới lên”. Bảy ngày sau có một đứa bé bưng đến vua và nói “bẩm hoàng thượng, con trồng cây này chỉ có 7 ngày mà nó lên được 1 gang tay”. Thằng nhỏ khác bưng chậu cây đến “bẩm hoàng thượng con xin nói thật là con trồng nó không lên”. Ông vua nói “vậy thì ta sẽ truyền ngôi cho con. Lý do là vì đậu này ta đã nướng cho nó chín rồi”. Hạt đậu đã nướng thì không thể nào lên cây được. Vậy thì cậu bé trồng lên được là do tráo. Một cậu bé chân thật và một cậu bé gian dối. Chính là do ai cũng nói mình là người đúng, người đang nắm giữ chân lý thì thế gian cũng thường có kế để tìm ra. 

Đức Phật không hề xưng tụng mình là bậc thánh, bậc thần mà đức Phật chỉ nhận mình là một người thầy. Tại sao? Vì người thầy mới gần gũi và chỉ dạy, còn nếu nói mình là thánh, mình dạy “quý vị thấy tôi không? Tôi làm được nè” thì người khác mới nói “thì ông là thánh nên ông mới làm được”. Còn nếu đức Phật chỉ là người thường mà Phật làm được thì chúng sanh sẽ nghĩ “ồ, Phật cũng chỉ là người phàm như mình mà Phật làm được thì tại sao mình cũng phàm như Phật mà mình làm không được?” Mình mới ráng. Ví dụ Pháp Hòa kêu người kia nhịn người nọ thì họ nói “tại thầy là thầy, thầy nhịn được còn con không nhịn được”. Ví dụ như vậy. Nếu Phật xưng Phật là thánh là thần, Phật kêu mình làm này làm kia thì mình sẽ nói “thôi không được đâu, tại ổng là thần là thánh rồi”. Cho nên cái hay của Phật là không hề nhận mình là thánh là thần gì hết, chỉ là một người thường. Phật là người hiểu biết cùng tột nhưng Ngài cũng không bao giờ nhận mình là người giữ chân lý. Thậm chí Ngài còn nói “đừng có tin tôi, nghe tôi nói rồi phải suy nghĩ cho kỹ, áp dụng rồi hãy tin”. Cho nên Phật là người bán hàng rất chân thật (cười). 

Điều thứ ba: "Kẻ nào không biết rằng người khác cũng có quan điểm của họ về sự thật thì kẻ ấy vẫn còn mờ ám, vẫn còn thiếu trí tuệ và vẫn còn kẹt vào quan điểm của chính mình."

Cái này gọi là “kiến chấp”. Chấp vào cái thấy của mình. Mình chỉ thấy cách mình làm là hay nhất. Ông bà thường dạy “đi một đàng học một sàng khôn”. Có những người còn trẻ nhưng có cách làm rất hay. Mình nhờ nó làm chuyện gì, mình biểu nó làm theo thứ tự, theo cách mình chỉ nhưng không ngờ nó làm theo cách khác . Mình định la nó rồi nhưng chợt nhận thấy cách của nó hay hơn cách của mình. Pháp Hòa thường hay như vậy. Thường gặp tình huống đó nhưng do cách làm hay nên Pháp Hòa thường im lặng không la mà còn học hỏi cách làm đó. Còn nếu mình lấy quyền trụ trì ra mình la “trời ơi là trời tôi là trụ trì tôi biểu làm như vầy mà làm khác…”, người ta sẽ đổi từ trụ trì thành “tru di” (cười). Không được! cho nên mình phải hiểu. Mình là ông chủ nhưng nhiều khi mình không có kinh nghiệm bằng người làm, vì ông chủ chỉ ngồi trên thôi. Bất quá ổng có kinh nghiệm đầu tư làm ăn nhưng khi đi vào chi tiết việc làm thì người làm hay hơn ông chủ. Cho nên mình phải có nhận biết đó để mình đừng có sống theo sự chấp trước của mình. Nếu mình chấp trước riết như vậy thì người lỗ là ai? Là mình! Mình lỗ lã gì? Lỗ lã trí tuệ, lỗ lã kiến thức và đôi khi lỗ lã tình thương, người ta hết thương mình nữa. Lỗ lã bạn bè, người ta không dám đến gần chơi với mình nữa. 

Pháp Hòa thường thưa với đại chúng là càng đọc kinh là càng thương Phật. Mà càng thương Phật thì mình càng có bổn phận ít nhiều sống như lời Phật dạy để không có phụ công ơn của Ngài. Và công ơn gần gũi nữa là của những bậc tôn đức đã dày công chịu khó dịch lại kinh cho mình. Bản kinh này nguyên văn là tiếng âm Hán mà rất cô đọng, khó hiểu vì nó theo thể kệ. Nhưng rất may mắn chúng ta được một tôn đức người Việt dịch ra bằng thể văn xuôi cho mình. Cho nên cầm một bản kinh lên là mình thấy tràn đầy ơn đức ở trong đó. Trước nhất là ơn Phật, kế đó là ơn của những người đã dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán, ơn người dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt và ơn người diễn giảng cho mình nghe. 

Chân lý là do mình nói thôi chứ chân lý không có ngôn ngữ vì còn ngôn ngữ là còn mắc kẹt ở trong ý niệm của mình. Dù cho Pháp Hòa có cố gắng cỡ nào để diễn đạt những gì trong kinh thì cũng không nói hết được. Mình phải tạm dùng ngôn ngữ để diễn bày thôi chứ còn chân lý là tự thân mình chứng, chấm hết, không thể diễn đạt. Ví dụ Pháp Hòa cầm ly nước uống rồi diễn đạt nước này lạt thế nài thế kia, lạt như cái này cái kia…như thôi chứ không có diễn đạt được chân lý của ly nước. Thôi thì ai muốn biết chân lý, vị của ly nước thì tự uống một miếng rồi cảm nhận. Ví dụ người ta hỏi đi chùa có gì vui không mà chị đi hoài vậy? Mình có cố gắng nói cỡ nào thì người ta cũng không thấy có gì hấp dẫn hết. Chỉ khi nào người ta nhận ra được chân lý của việc đi chùa là đến đây để học. Ví dụ như trong chùa có những người làm mình khó chịu thì họ là người giúp mình thành tựu “nhẫn nhục đệ nhất”. Đọc kinh Pháp Hoa: Đề-bà-đạt-đa kiếp trước là thầy của Phật, biểu Phật quỳ xuống để ổng ngồi lên lưng làm giường ghế cho ổng nằm ngồi, Phật vẫn làm. Phật mới nói Đề Bà Đạt Đa là người thành tựu cho ta pháp nhẫn nhục. Ngoài nhẫn nhục ra còn phải khiêm cung. Phẩm thứ 20 Thường bất khinh. Chẳng những nhẫn nhục mà còn phải khiêm cung nữa. Giỏi mà không khoe mà còn khen người khác: ”ồ, tôi không dám khinh anh vì anh sẽ là Phật tương lai”. Còn mình bây giờ thì sao? Mình thấy ai cũng là phàm phu chỉ có mình là thánh (cười).

Điều thứ tư: “Có cái quan điểm rồi thì mới có nói và có làm. Người ta nghĩ rằng nhờ cái thấy đó của họ mà thân họ được tịnh hóa và tâm họ được thánh hóa. Nếu ai cũng đúng thì còn có ai sai lầm nữa bởi vì ai cũng đang có và cũng đang kẹt vào cái ý của họ.”

 Ví dụ mình nói: “nhờ tôi như thế này, nhờ tôi như thế kia mà bây giờ tôi mới được như thế này thế này. Tôi sướng như vầy là nhờ…”. Mình chấp vào thành tựu của mình. Có nhiều khi mình giúp được gì cho ai là mình hay nói “nè nè nhìn đi, 10 năm trước không nhờ có tôi giúp đỡ là giờ nó chết mất rồi. Nhờ tui đó mà nó được như vầy đây nè. Hổng tin đi kiếm người đó hỏi”. 

Nếu mình vẫn còn đang kẹt vào cái thấy của mình thì mình nên nhớ một điều: nếu ai cũng đúng thì còn có ai sai lầm? Pháp Hòa quán chiếu lại rồi thấy nhiều khi trong cuộc sống của mình, có những điều mình không thích nhưng không dám nói do cả nể với nhau. Hoặc mình thích quá trời, muốn nữa, mà cũng không dám nói. Có những cái mình chỉ định người ta làm, người ta làm không phải do mình chỉ đúng mà người ta làm, mà còn nhiều lý do khác như ngại, cả nể, sợ mình. Mình đừng có cho là cái mình thành tựu được là cái tốt tột cùng. Có thể mình được, nhưng mà thời điểm đó thôi. 10 năm sau việc đó nó không giống như vậy nữa vì cuộc đời vô thường. Xã hội, hoàn cảnh thay đổi. Có nhiều khi mình đem cái này ứng dụng được với gia đình này nhưng sẽ không ứng dụng được với gia đình khác vì mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh. Mỗi con người mỗi việc khác nhau hết cho nên không ai giống ai hết. Pháp Hòa lấy ví dụ có nhiều khi mình nói đạo lý nhưng cái khổ của người ta bây giờ là người ta cần cảm thông chứ không cần nghe đạo lý. Tại sao? vì có những người họ biết đạo lý hết, nhưng họ không muốn nghe nữa. Họ chỉ cần sự lắng nghe, cảm thông và chấp nhận của mình để cho người ta thời gian để nguôi ngoai sự việc. Cho nên thưa đại chúng, có những cái mình quan điểm, mình làm, mình thành tựu nhưng đừng cho đó là cái tột cùng vì thời điểm, hoàn cảnh mỗi người mỗi khác. Có nhiều khi mình nói “nghe tôi đi, tôi nói không có sai đâu. Thấy không? Tôi giúp cho anh đó 5 năm trước được như vầy”. Mình tranh cãi, giành phần về mình. 

Quý vị nói: “ăn pizza ai mà ăn kiểu cuốn với rau sống”. Bây giờ về ăn thử đi, Pháp Hòa mới phát minh hồi tối (cười). Pháp Hòa ăn vậy đó mà ngon, nhưng Pháp Hòa có phải là chân lý không? Đâu có! Chỉ Pháp Hòa thấy ngon thôi, nhiều khi quý vị ăn không thấy ngon. Hoặc là người không ăn được kinh giới sẽ không thấy ngon lành gì hết tại cái mùi của nó. Cũng có Phật tử nói sao rau dấp cá nó tanh vậy mà mình ăn được? Mình thì thấy nó thơm. Cho nên cái mình ăn không được cũng không có nghĩa là thiên hạ không được ăn. 

Điều thứ năm: “Đây là sự thật cao nhất, là đỉnh cao trí tuệ. Người ngu si có suy nghĩ và hành xử như thế và tìm cách dìm kẻ khác xuống. Mình tự cho mình là người duy nhất đã thấy được sự thật. Tự mình còn là kẻ ngu si mà mình cứ nói là người ta ngu si”

Trước hết, mình phải định nghĩa chữ “ngu si”. Ở trong nhà Phật, hay nói cách khác là trong kinh sách khi dùng chữ ngu si không có nghĩa nặng nề như tiếng Việt Nam mình nói. “Ngu” là gì? Khi mình không thấy nghĩa thật thì tiếng Hán Việt gọi là ngu. Thế thôi. Tại sao nói tự mình còn là kẻ ngu si? Ngu cái gì? Mình không biết là mình làm như vậy là mình đang chuốc cái nghiệp, đang tạo cái nhân khổ cho mình. 

Trong cuộc sống đôi khi Pháp Hòa suy nghĩ như vầy: thôi bây giờ mình không có tranh cãi gì nữa hết để cho nhân quả giải quyết. Nhiều lúc Pháp Hòa biết hết nhưng Pháp Hòa không nói vì nếu mình nói thì chỉ thêm phiền muộn, bực bội với nhau thôi, không có lợi ích gì hết. Thôi thì cứ để cho luật nhân quả giải quyết. Nếu ai làm đúng thì sẽ nhận quả đúng. Mình còn là con người thì sẽ còn cái thấy hạn hẹp, mà đã thấy hạn hẹp thì sẽ hành xử theo cái hạn hẹp đó của mình. Đôi khi mình lỡ lầm sai quấy thì sao? Thôi nhân quả giải quyết là rõ nhất. Nói như vậy không phải là mình rủa người ta, nhưng mà để nói rằng mình là Phật tử mình tin rằng ai gieo nhân gì thì người ta sẽ gặt quả đó. Hoặc là biết đâu chừng đời trước mình tạo nhân, đời này mình nhận quả thì sao? Sao mình chỉ thấy có một chiều là người này người kia làm mình bực bội. Có một đạo hữu hỏi là “con có lòng tốt gửi tiền cho người ta làm từ thiện nhưng người ta không làm, không biết lòng tốt của con có làm cho người ta tạo thêm nghiệp ăn cắp, ăn trộm không?”. Pháp Hòa nói nghĩ như vậy làm chi. Sao mình không nghĩ là nhiều khi đời trước mình thiếu nợ người ta cho nên đời này nó xuôi khiến mình đưa cho người ta, mình nhờ người ta. Cũng có thể là vậy. Nghĩ như vậy cho nên mình bình an lắm. Không có buồn phiền gì hết. 

Thưa đại chúng Pháp Hòa tin rằng quý vị cũng từng giúp người rất nhiều nhưng đôi khi mình bị người đó đối xử không tốt với mình. Nhưng đừng có buồn mấy cái đó. Nhẹ nhàng. Mình thấy người ta cần là mình giúp và khi mình giúp mình đừng bao giờ nghĩ là người đó phải trả ơn mình. Được như vậy thì dù họ có đối xử thế nào mình cũng bình an vì ngay từ đầu gieo nhân mình đã không nghĩ đến chuyện cần báo đáp rồi. Tối qua có người hỏi Pháp Hòa “sao người đó cứ mắng mỏ con hoài?”. Pháp Hòa mới nói thôi bây giờ mỗi lần bị mắng mình nghĩ “ôi mừng quá tôi vừa trả bớt một nợ”, cho nó nhẹ (cười)

Trong kinh Pháp Cú có câu: 

“Người ngu biết mình ngu 
Nhờ vậy thành có trí
Người trí cho mình trí
Thật đáng gọi chí ngu” 

Người mà dại khờ, biết mình không biết thì chính người này là người khôn. Tại sao? chính mình không biết mình mới học. Người ta thấy mình không biết người ta mới chỉ. Cái là mình học thêm nhiều. Còn người giỏi nói “ôi tôi cái gì cũng biết hết” thì sẽ ít mở lòng học thêm. Người ngu biết mình ngu. Tu là mình phải có chữ “biết”. Khi mình giận mình biết mình giận, khi mình bực bội mình biết mình bực bội. Nhờ mình biết mình bực bội cho nên mình sẽ giảm lời nói. Và có đôi khi mình phải biết chỗ nào nên bực và chỗ nào không nên bực. Hai vợ chồng giận nhau, mình không biết con cái mình ở chung một nhà rồi mình tháo quát những lời nói khó nghe với nhau thì con mình là người lãnh cái quả đó chứ ai. Nó là người hấp thụ không khí đó. Mình biết mình không biết để mình học, còn người cho mình biết hết thì thật là tận cùng của sự không biết. 

Ngày xưa Tô Đông Pha cứ nghĩ ổng là người học nhiều nghe rộng đủ thứ, cuối cùng ông phải làm một câu đối để ông tự nhắc nhở ông:

“Thông minh bác học thông minh ngộ
Bác học đa văn bác học minh” 

Chữ ngộ ở đây không phải là giác ngộ mà là ngộ ngộ. Người đó ngộ ngộ. Câu đầu ông nói mình thông minh, bác học nhưng cuối cùng lại là ngu. Học rộng nghe nhiều nhưng cuối cùng là là mờ mờ, u minh. Chữ "minh" ở đây không có nghĩa là sáng. Chữ ngộ và chữ minh trong tiếng Hán ở trường hợp này có nét viết khác, có nghĩa là ngu – mờ. 

Bài kinh này Phật dạy mười mấy điều nhưng hôm nay mình học 5 điều. Bữa sau mình học tiếp. 

(Ghi chép lại từ bài pháp thoại của thầy trên kênh Youtube Vấn đáp Thầy Thích Pháp Hòa)

Bài mới

HƯƠNG ĐỨC HẠNH KHÔNG NGỪNG BAY XA
Cho tới hôm nay, “hạnh đầu đà” không còn là cụm từ xa lạ. Nhắc đến nó ta sẽ nghĩ n...
NHỮNG LỜI CHIA SẺ CỦA THẦY MINH TUỆ
NHỮNG LỜI CHIA SẺ CỦA THẦY MINH TUỆ, Sáu năm qua con không là nhân sự ở chùa nào. ...
Hiện tượng hành giả Minh Tuệ
Hiện nay Phật giáo tại VN được chia ra một số tông phái chính, nhưng cơ bản là tru...
Tỏa ánh lưu ly 1 - giảng Kinh Dược Sư - Thầy Thích Pháp Hòa
Đức Phật Dược Sư ở phương Đông còn Phật A Di Đà ở phương Tây. Trong 4 hướng, hướng...
Biên kiến là gì? Bài Kinh Phật dạy về chấm dứt sự TRANH CÃI - Thích Pháp Hòa
Bài kinh này là bài kinh nói về gốc rễ của độc tài, của bạo động là do chúng ta nh...
Lợi ích Sám hối. Tụng sám hối hồi hướng cho cha mẹ như thế nào? Sự khác nhau giữa các phá...
Pháp Hòa hay ví dụ sám hối như chúng ta ăn cơm mà có một chén canh. Không cần biết...
Chân thường, chân lạc, ngân ngã, chân tịnh - Thích Pháp Hòa
Có nghĩa là chuyện thay đổi trên đầu, tóc, da nhăn là chân thường. Và còn cái chân...
Niết bàn là thế nào? - Thích Pháp Hòa
Khi chúng ta diệt được cái sanh tử, độ được cái phiền não là Niết bàn. Niết bàn kh...
Kinh nghiệm chữa bệnh trào ngược dạ dày thực quản của cựu diễn viên Tăng Thanh Hà - Tăng ...
Tôi đã trãi qua một cuộc hành trình điều trị bệnh dạ dày khá gian nan. Tôi bị trào...
Hiểu về Bát quan trai giới - Thích Tuệ Sỹ
TU GIỚI Phật pháp như thuốc hay, nhưng tùy theo căn bịnh. Có điều, không phải như ...

Are you sure?