Tỏa ánh lưu ly 1 - giảng Kinh Dược Sư - Thầy Thích Pháp Hòa

Tỏa ánh lưu ly 1 - giảng Kinh Dược Sư - Thầy Thích Pháp Hòa

Cốt yếu của việc đi chùa là để học Phật sửa tâm của mình, vì khi chúng ta có thân bệnh thì chúng ta đi đến bệnh viện, tìm bác sĩ, tìm thầy tìm thuốc chữa thân bệnh. Còn chúng ta đi về chùa là tìm thầy, tìm thuốc chữa tâm bệnh, phiền não của mình. Trong đạo Phật thường dùng hai chữ “tu học”, vì nếu chúng ta muốn tu mà không có học thì chúng ta không biết mình phải tu như thế nào. Cho nên nếu muốn tu có kết quả tốt thì mình phải học. Mà khi học rồi chúng ta phải làm, phải hành để giúp cho sự tu của ta ngày thêm thăng tiến. Cho nên chữ tu học rất là quan trọng. Mình muốn tu tức là muốn sửa. Nhưng mà sửa cái gì? Biết mình ra sao mà sửa? Tu theo Phật mình sửa hai phần: chỉnh cái tướng và sửa cái tâm. 

Thường thường người ta nói: “tu tâm, tu tánh, tu hạnh, tu ngôn”. Tức là sửa tâm, sửa tánh, sửa hành động, sửa lời nói. Nói gọn lại là tu cái tướng và tu cái tánh. 

Tu cái tướng tức là tu cái bề ngoài. Bề ngoài cũng phải sửa. Cái tâm sửa là đành rồi, nhưng cái tướng cũng phải sửa. Ví dụ hồi xưa đi lên chánh điện mình đi rất nhanh, giờ biết rồi thì mình đi chậm lại, đó là chỉnh cái tướng. Ngày xưa mình vừa ngồi tụng kinh vừa lắc đùi, bây giờ mình chỉnh được cái tướng đó là không còn lắc nữa. Ngày xưa mình lên chánh điện mình thường nói chuyện ồn ào. Bây giờ hiểu rồi, lên chánh điện mình phải giữ trang nghiêm thanh tịnh. Cái tướng của mình chưa đẹp, mình chỉnh lại cho đẹp. Cái tâm mình chưa ngay, mình chỉnh lại cho nó ngay. “Hình trực ảnh đoan”: cái tướng mà nó thẳng rồi thì cái bóng của mình nó cũng thẳng theo. Cái tướng mình nó méo thì cái bóng của mình nó méo theo. Cái chánh báo của mình như thế nào thì cái y báo của mình có phần nó cũng giống như vậy. Chánh báo là bản thân mình, y báo là hoàn cảnh xung quanh mình. Mình phải nắm cho rõ, hiểu cho kỹ mình đi chùa để làm gì? Học Phật để làm gì?Học Phật để chứa kiến thức? Học Phật để lợi lộc gì? Thật ra không có lợi lộc gì hết, lợi lộc đây là mình được chỉnh thân tướng của mình, chỉnh đốn lại tâm hồn, hành vi, lời nói, cử chỉ của mình. 

Muốn sửa những cái đó thì trước hết mình phải biết mình bệnh gì để mà mình sửa. Ví dụ như bây giờ mình không có bệnh gì cả mà kêu mình uống thuốc mình đâu có chịu uống. Mà thậm chí có bệnh rồi đôi khi còn không chịu uống thuốc nữa vì bảo là bệnh sơ sơ, không muốn uống thuốc. 

Mình thường ca ngợi Đức Phật Thích Ca là bậc vô thượng y vương tức là vị thầy thuốc không có ai hơn được vì Ngài biết tùy bệnh cho thuốc. Ai bệnh gì thì Ngài cho thuốc nấy nhằm giúp cho người đệ tử đó chữa được những căn bệnh trầm kha của mình. Bệnh hờn mác, bệnh hay giận, bệnh hay lẫy, bệnh móc méo cũng có, mỗi người một kiểu bệnh. Nếu mình không thấy được bệnh của mình thì mình không thể chữa được. Cho nên mình phải hiểu rõ bệnh của mình để tìm thuốc, và nếu tìm được đúng bác sĩ giỏi thì mình nên mừng. Mình hay nói là bác sĩ đó mát tay lắm, thật ra là cho thuốc giống nhau nhưng mà bác sĩ này cho thì mình uống hết bệnh nhưng bác sĩ khác cho thì chưa chắc. Thì bây giờ mình học Phật cũng vậy, mỗi một bản Kinh, mỗi một bài giảng nó có tác dụng khác nhau, mà nếu mình có duyên với bài giảng đó, mình nghe tới đâu thấm tới đó, nghe tới đâu hiểu tới đó thì mình biết là cái dĩa đó, cái băng đó đúng là phương thuốc chữa được bệnh của mình. Đạo Phật chuyên chú vào chữa tâm bệnh. Khi ngồi thiền mình ngồi xuống mình điều chỉnh tướng gọi là điều thân, sau đó là điều tức (điều hòa hơi thở) và điều tâm. 

Điều thân: ngồi trên bồ đoàn nhưng không ngồi nguyên cái bồ đoàn mà ngồi 1 phần 3 cái bồ đoàn, để cho cái gối đôn xương sống mình thẳng. Hai cái vai phải buông xuôi không gồng, giữ lưng thẳng, đầu giữ vừa chừng, mắt nhắm khẽ để không buồn ngủ và không bị động tâm khi nhìn thấy cảnh vật xung quanh. 

Điều tức: hít vào, thở ra thật sâu, thật chậm, hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng, làm khoảng 10 lần như vậy, rồi sau đó mình để yên như vậy cho thở nhịp nhàng, mình chỉ nhận biết hơi thở của mình thôi. 

Điều tâm: trong lúc ngồi lâu lâu tâm mình nghĩ lung tung như “trời ơi bữa nay mùng 1 có chương trình giảm giá mà quên…” thì mình chỉnh lại liền, “đâu có được mình đang ngồi thở mà”. Cứ như vậy, có cái gì nhảy vào trong đầu mình thì mình nói với nó là giờ này không phài để suy nghĩ chuyện này, giờ này giờ ngồi thiền.” 

Tụng kinh cũng vậy, hai chân đứng cho nghiêm trang hình chữ V. Đừng có khép quá vì dễ té, tay phải chấp cho ngay, lễ Phật thì phải lễ cho trang nghiêm gọi là điều thân. Ngồi xuống phải chỉnh áo tràng cho ngay. Đọc bài tán Phật thì chấp tay, lúc bắt đầu trì Kinh thì hai tay để như tư thế ngồi thiền.

Quan trọng là tu tâm nhưng cái tướng cũng cần. Vì khi cái tướng trang nghiêm cũng làm cho người khác sanh tâm hoan hỷ với cái tướng của mình. Pháp Hòa lấy ví dụ: Quý vị nhìn Phật Di Lặc quý vị vui không? Vui là tại vì cái tướng của Ngài lúc nào cũng toe toét cười. Cho nên chỉ cần nhìn ngắm tôn tượng Ngài thôi tự nhiên mình cũng thấy hoan hỷ. Bước vô chùa mà gặp thầy trụ trì dễ thương chào hỏi thì mình đang mệt cũng thấy khỏe, còn không thì ngược lại, bước vô chùa gặp thầy trụ trì cái mặt khó chịu thì mình đang khỏe cũng thấy không vui. Cho nên cái tướng quan trọng lắm.

Khi mình tụng Kinh, nghe đến danh hiệu Phật, hoặc đọc các bài ca ngợi Phật thì chúng ta cũng chấp tay. Rồi trong lúc tụng Kinh mình cũng hay bị xao lãng, nhớ nghĩ đủ chuyện thì mình cũng phải nhắc lại mình là đang tụng Kinh. Ngồi nghe pháp cũng vậy. Phải để tâm yên để nghe Pháp. Cho nên mình ngồi thiền, tụng kinh, nghe pháp cũng là giờ phút để mình chỉnh thân, chỉnh tâm, chình tướng hết. Cho nên mình hiểu rồi thì mình thấy tụng Kinh cũng là tu, ngồi thiền cũng là tu, thậm chí làm công quả cũng là tu. Ví dụ mình có thói quen nói chuyện với ai mình hay chống nạnh, xuống bếp mình cũng chống nạnh, mà mình mặc đồ vạt khò nữa chứ. Mặc áo vạt khò, áo tràng mà đứng chống nạnh nói chuyện coi nó xấu, nhớ lại cái mình buông tay xuống.

 Hoặc là mình có thói quen hay nạt nộ vì mình làm boss trong hãng quen rồi, rồi khi mình nói chuyện với đạo hữu bạn mình, mình cũng nạt thì mình sực nhớ lại “trời ơi sao mà mình ra cái tướng kỳ cục vậy? lời nói mình sao nó không có dễ thương” cái mình chỉnh lại cái đó liền. Tu hết. Ở dưới bếp mình cũng tu, trong khi đi phát những cái dĩa pháp thoại mình cũng tu. Người ta nghe mình mừng chứ không phải người ta lấy nhiều cái mình dòm coi người đó kỳ rồi lấy 5 dĩa rồi, kỳ này cũng 5 dĩa nữa chung đề tài mà sao bỏ có 1 đồng vậy? (cười). Cái suy nghĩ đó mà nó nổi lên trong đầu mình là mình biết không được, không được. Cho nên mỗi khi mình chuyền băng cho người ta nghe thì tâm niệm mình phải khởi lên là “nguyện người nghe tỉnh thức, vượt thoát nẽo đau buồn”. Mình đưa quyển sách cho ai đọc trong lòng mình cũng khởi lên “nguyện cho người đọc tỉnh thức” vì mình cũng đã từng tỉnh thức nhờ đọc cuốn sách này thì mình cũng mong người khác tỉnh thức bằng cuốn sách này.

Mình không có giỏi gì đâu. Mà nếu mình có giỏi mà mình thiếu cái phước, cái đức thì mình cũng không làm được việc. Cho nên mỗi lần lên đây nói chuyện với đại chúng thì Pháp Hòa luôn thầm cầu nguyện chư Phật, chư Tổ gia hộ cho con có đủ khả năng để con truyền đạt lời dạy của quý Ngài đến người khác, đến thính chúng, tại vì mình biết mình là phàm phu tục tử, nghiệp dày phước mỏng huệ cũng ít, gọi là “chướng thông huệ thiển. Nhiễm tâm tịnh xí. Tịnh đức nan thành”. Tâm mình thì nhiễm ô nhiều, trí huệ của mình thì ít, phước đức thì mỏng manh, nghiệp lực thì dày. Bây giờ mình đem một lời thánh ý của Phật tổ mình truyền đạt chưa chắc người ta hiểu, vì nhiều khi nói với tâm nhiễm ô. Vì vậy cần cầu mong chư Phật, chư Tổ gia hộ cho mình nói. Mình nói mà người ta hiểu được không phải là mình giỏi mà là chư Phật, chư Tổ có gia hộ cho mình để mình truyền ý. Cho nên cho dù mình có giỏi mình cũng không nhận là mình giỏi vì mình biết đó là nhờ có sự gia hộ. Mà nhờ mình có cái tâm chơn thật như vậy cho nên quý Ngài gia hộ. Cho nên mình làm cuồn băng hay làm bất cứ việc gì cho cộng đồng, cho Tam bảo mình cũng phải vì mọi người mà làm chứ không phải vì mình. Mà nếu làm vì mình là vì cái bản ngã, mà cái gì có dính mắc vào bản ngã thì có ngày sẽ tự ái, tự ái là bỏ cuộc, tự trói, tự buộc có khi là tự tử (cười). Tự tử ở đây có nghĩa là mình tự làm chết đi hạt giống Bồ đề, hạt giống thánh thiện, lành mạnh trong tâm thức của mình.

Trong nhà Phật, nói tới chết có hai cách chết. Một cái là “phần đoạn sanh tử”, cái thứ hai là “bất tư nghì biến dịch sanh tử”. Phần đoạn sanh tử là sao? đang thở tự nhiên hết thở, chết, gọi là phần đoạn sanh tử. Cái chết đó thì ai cũng chết. Không có người nào thoát hết. Nhưng mà rồi chúng ta sẽ chết kiểu này trong từng tâm niệm của ta đây: chết kiểu này gọi là bất tư nghì biến dịch sanh tử. Ví dụ: hôm qua Pháp Hòa là tên ăn trộm, ăn cắp. Sáng hôm nay tỉnh mộng, biết trộm cắp là xấu, quyết định không ăn trộm ăn cắp nữa thì cái con người ăn trộm của ngày hôm qua đã chết mất rồi. Tâm niệm trộm cắp đó đã chết rồi, không còn nữa. Bây giờ con người mình lột xác thành người khác. Thay đổi một cách không thể nghĩ bàn được. Mình sanh ra một con người khác. Mình ví dụ, 20 năm trước mình là thằng nhỏ 15 tuổi, khi mà quỳ xuống chân thầy, chân Phật cạo cái đầu, mặc cái áo rồi thì cái đứa nhỏ 15 tuổi đó nó chết rồi. Bây giờ nó sống cũng con người đó thôi, nhưng mà cái tướng nó đổi, cái tâm nó thay vì tu rồi. Bây giờ đứa bé đó lột xác và sống bằng thân tướng của người tu. Trong giấy tờ mình là Huỳnh Thanh Toàn, HTT 20 năm trước chết rồi, bây giờ nó sống lại bằng thân tướng của ông Thích Pháp Hòa. Ví dụ như vậy. 

Hôm trước Pháp Hòa có nói với mấy chú mình tu là mình lột xác. Ví dụ chú nhỏ Thiện Tường 4 tháng trước ở nhà không biết rửa chén. Đi vô chùa được 1 tuần, các sư huynh chỉ cách rửa chén và bây giờ chú biết rửa chén. Như vậy thì Thiện Tường của 4 tháng trước và Thiện Tường của 4 tháng sau có khác. Thiện Tường không biết rửa chén chết rồi, giờ Thiện Tường biết rửa chén đang sống. Chú nào mà không có thời gian nghịch ngợm? Nhưng mà khi có hiểu biết thì cái tướng nghịch ngợm đó không còn. Cho nên đạo Phật không có chê trách ai dù người đó có lỗi, mà cái quan trọng là mình mở lòng tiếp nhận để cho người đó chỉnh cái lỗi. Cho nên đôi khi mình thấy mình xấu mình phải tự nói với mình là mình phải thay đổi. Có một hôm Pháp Hòa nghe một vị thiền sư giảng. Vị này khi còn trẻ, Ngài cũng nói ra nhiều điều rất là mạnh. 40 năm sau, một hôm Ngài đi giảng thì gặp một người khác đã từng đọc quyển sách ngài viết 40 năm trước đó. Vị đó hỏi “ông có phải là tác giả của quyển sách đó 40 năm về trước không?”. Thì vị thiền sư trả lời “đúng, nhưng mà ông tác giả của 40 năm đó chết rồi. Bây giờ ông thiền sư này là một ông khác”. Có nghĩa là ngày xưa mình có viết sách, mình có nói, nhưng mà ở tuổi đó, mình tu mới tới đó nên mình nói và viết còn cái phiền của mình trong đó. Nhưng mà 40 năm sau mình tu lâu, mình có cái định, có cái tĩnh, có cái sáng thì cái nói của mình nó khác. Cái nhìn của mình bây giờ nó khác. 

Pháp Hòa ví dụ Pháp Hòa hay nói lúc Pháp Hòa mới đi tu thì mình chấp dữ lắm. Ai làm cái gì không đúng thì mình chấp. Nhưng mà mình chấp nhiều chừng nào mình khổ nhiều chừng nấy. Tại vì người ta sống tỉnh queo à, người ta cứ hiên ngang sống theo kiểu của người ta còn mình thì cứ ôm cái chấp đó. Mình cứ ngồi mình nói người này trật, người kia trật mà rốt cuộc mình trật lất mà mình cũng không hay. Mình trật đừng rày là mình tu mà mình không lo tu mà cứ lo dòm ngó người này trật, người kia sai. Mà mình cũng trật lất luôn mà mình chả biết. Thì bao nhiêu năm sau khi mình lớn tuổi đời và lâu năm trong đạo rồi thì mình thấy “trời ơi hồi xưa sao mình dở ơi là dở”. Nhưng mà mình nhờ thầy có lòng từ bi độ lượng lớn nên mới tiếp nhận mình.

Hồi đó mà mỗi lần mình nổi cơn ba gai của mình lên á thì cô Pháp Tịnh nói “thôi thôi chú, chặt bớt 3 gai 4 góc đi” (cười). Hồi đó cô Pháp Tịnh cứ gọi Pháp Hòa là chú 3 gai 4 góc. Là vì sao biết không? Là vì cái tính của Pháp Hòa là không có khuất phục. Ai mà Pháp Hòa nghĩ không đúng rồi thì đừng có hòng Pháp Hòa phục người đó. Nhưng mà cuộc đời này giống như một trái banh vậy đó. Sau khi cầu thủ ra sân banh bị người ta đá cho bầm người rồi thì tự nhiên nó biết nó phải lách. Nó biết anh nào có đôi giày thiệt là chắc, đá nó đau là nó phải tránh thôi. Mình cũng vậy. Cho nên mình là anh chị bự thì lâu lâu cũng có những người người ta bự hơn mình, người ta hò hét mình mới khiếp chứ không mình tưởng mình là anh chị bự không à. (cười). Người xưa có câu ví dụ rất hay “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”, “thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân” (ngoài trời có trời). Giống như mình đi máy bay, mình tưởng mình bay lên trời rồi, nhưng nhìn lên vẫn còn trời cao hơn nữa. Cho nên mình đừng tưởng mình là số 1, có người còn hơn mình nữa. Mình tu mà mình thấy biết được cái sai của mình thì có lợi cho mình lắm. Nó giúp cho mình được rất nhiều.

Mấy ngôi chùa xưa thường trong chánh điện thờ 3 tượng Phật. Ở giữa thờ Phật Thích Ca, hai bên thờ Phật A Di Đà và Phật Dược Sư. Ba vị này thường nhìn giống nhau lắm. Chỉ có cái khác là cái pháp khí, cái bảo vật mà các Ngài cầm trên tay. Thường thường đức Thích Ca ngồi giữa cầm bình bát. Đức Di Đà trên tay cầm đài sen hoặc hoa sen. Còn Đức Phật Dược Sư trên tay cầm một cái tháp Như Ý. Thì để phân biệt các Phật mình nhìn các pháp khí các Ngài cầm trên tay. Tượng Thích ca để ngay chính giữa vì Ngài là vị Phật giáo chủ của cõi Ta Bà chúng ta đây. Giống như trong chùa có cái bồ đoàn để ngay chính giữa thì khi có khóa lễ, vị nào ngồi ở vị trí đó thì mình biết đó là vị trụ trì.
 
Còn Phật Dược Sư và Phật A Di Đà có ở cõi chúng ta không? Không có! Nhưng mà làm sao mình biết được hai vị Phật đó? Do Phật Thích Ca giới thiệu trong Kinh A Di Đà “Xá Lợi Phất, tùng thị Tây phương quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viết Cực Lạc, kỳ độ hữu Phật hiệu A Di Đà kim đương thuyết pháp”. “Này Xá Lợi Phất từ đây sang phương Tây quá 10 muôn ức cõi Phật có một thế giới tên là Cực Lạc có vị Phật tên là A Di Đà hiện nay đang nói pháp”. Khi Ngài giới thiệu Phật Dược Sư thì Ngài nói “từ đây sang phương Đông quá 10 muôn ức cõi Phật có một thế giới tên là Tịnh Lưu Ly có một đức Phật tên là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. Vậy thì mình biết được 2 vị Phật này và công hạnh tu hành của các Ngài đều là do Phật Thích Ca giới thiệu. 

Đức Phật Dược Sư ở phương Đông còn Phật A Di Đà ở phương Tây. Trong 4 hướng, hướng Đông đứng đầu. Trong 4 mùa, mùa Xuân đứng đầu. Vậy thì chúng ta tụng kinh Dược Sư vào mùa nào? Mùa Xuân. Tại vì phương Đông là phương đầu của 4 phương Đông, Nam, Tây, Bắc. Trong 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thì mùa Xuân đứng đầu. Mà mùa Xuân là mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, thấy có sự sống xanh tươi, tươi tắn, ai nghe đến mùa xuân cũng thấy phấn khởi. Chẳng hạn thấy ai buồn mình cũng hay nói “sao hôm nay mặt không có mùa Xuân vậy?”. Thậm chí đến diện mạo tươi cười, người ta cũng lấy mùa xuân ra để so sánh. Ở đây cũng vậy, Đức Phật Dược Sư ở phương Đông là phương của mặt trời mọc, mà mặt trời mọc là tượng trưng cho sự sống. Mùa Xuân cũng tượng trưng cho sự sống. Cho nên Phật Dược Sư là tượng trưng cho sự sống và sống có sáng suốt, chánh niệm, tỉnh thức. Mà nhờ như vậy mà cuộc đời mình thảnh thơi, sung túc. Cho nên người nào đau bệnh muốn cầu có sức khỏe, muốn cầu giàu sang, muốn cầu thăng quan tiến chức thì cầu Phật Dược Sư. Người nào muốn tăng tuổi thọ, tăng phước, tăng lộc phải cầu Phật Dược Sư. Vì Dược là thuốc, Sư là ông thầy. Ông thầy mà cho thuốc là chữa lành bệnh. Và ông thầy đó rất hay. Nghe chỗ ở của Ngài thôi là thấy có sức sống rồi. Ở phương Đông. Cho nên chư Tổ của ta rất hay, bày cho ta trì tụng Kinh Dược Sư vào mùa Tết vì Tết là mùa xuân.

Còn Đức Phật Di Đà ở phía Tây, mà phía tây là phía mặt trời lặn. trong 4 mùa, mùa Thu là mùa thứ 3, tượng trưng cho sự rơi rụng cây lá, tượng trưng cho sự buồn. Thật ra, đối với người tu giải thoát thanh tịnh thì không có phân biệt mùa nào hết. Mùa nào cũng là an vui hết nhưng mà đó là biểu tượng. Khi mà người ta muốn nói đến Trí tuệ thì người ta nói đến phương Nam. Trong Kinh Địa Tạng có nói người nào học kinh không thuộc thì trước phải đem lòng kính ngưỡng tụng kinh Địa tạng 21 ngày và quay mặt về phương Nam, lấy nước đã trì tụng đó mà uống. Hướng Nam là tượng trưng cho sự hiểu biết. 

Tại sao mình cứ dùng số lẻ? vì số lẻ tượng trưng cho sự cát tường. Theo tính toán của vũ trụ và các tôn giáo. Phật thì có tam bảo, Chúa thì có 3 ngôi. Chúa tạo vạn vật muôn loài trong 7 ngày. Ta thì hình thành từ con số 7: Đất, nước, gió, lửa, kiến, thức, không. Nhạc cũng 7 nốt. Lấy cơm để vô chén cúng súc sanh là lấy 7 hạt. Nhiều thì kêu là làm sang, ít thì kêu là bỏn sẻn. Vừa đủ là tốt. Cho nên con số 3,5,7… là tượng trưng cho sự kiết tường, lành tốt. Cúng Phật Dược Sư cúng 7 ngọn, 7 vị Phật Dược sư là 49 ngọn. Người ta kêu là Dược Sư thất châu, lập 7 đàn, mỗi đàn 7 ngọn đèn, 7 vị Phật Dược Sư. Một vị sám chủ ngồi giữa, các vị còn lại chia đều ra 2 bên. Đệ tử Phật thì có thất chúng (Sa di, Sa di ni, thức xoa, tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di). Phật sanh ra đi 7 bước. 7 hoa sen là tượng trưng cho thất chúng đệ tử của Phật. Rồi chư Phật quá khứ cho đến hiện tại cũng 7 vị. Trước khi tụng biến thực biến thủy chơn ngôn cũng tụng 7 vị Phật: Đa Bảo Như Lai, Bảo Thắng Như Lai, Diệu Sắc Thân Như Lai, Quảng Bác Thân Như Lai, Ly Bố Úy Như Lai, Cam Lộ Vương Như Lai, A Di Đà Như Lai. 

Năm nay mình cố gắng học 2 bộ kinh: Kinh Dược Sư và Kinh A Di Đà. Vì Phật Dược Sư tượng trưng cho sống còn Phật A Di Đà tượng trưng cho chết. Nhưng mình học xong sẽ thấy sống với chết nhưng mà không có hai. Vì ai cũng muốn khi mình mất đi rồi thì “cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu. Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”. Nếu anh muốn cái ngày cuối của anh được như vậy thì khi cái ngày anh còn sống anh phải làm sao? anh phải tu theo Phật Dược Sư. Một ngày mà sáng anh hướng về phía Đông chiều anh hướng về phía Tây thì có phải là cuộc đời trọn vẹn không? Sống thì có Phật Dược Sư nâng đỡ, chết thì có Phật Di Đà tiếp dẫn, có gì đâu mà lo sợ nữa. Mình tu thì sẽ luôn có Phật và Bồ tát bảo hộ cho mình.

Hai bộ Kinh này rất quan trọng trong Phật giáo đại thừa bởi vì Ngài biết rõ sự ham muốn của chúng sanh. Chúng sanh còn muốn có sức khỏe, còn muốn có nhà cửa sung túc, còn muốn có địa vị trong xã hội. Nhưng nếu họ muốn mà mình không dạy họ cách làm sao cho nó đúng thì họ sẽ dùng vô số những điều bất thiện để họ đoạt được những điều họ muốn gọi là không đúng với chánh pháp, gọi là bất chánh. 

Mình biết họ muốn như vậy phải không? Mình biết họ chưa tu tới thì mình chỉ họ cách đạt được những điều đó bằng con đường chân chánh. Ví dụ: mình có người thân ở Việt Nam cứ xin tiền xài hoài. Mình gửi về cho mãi cũng không được. Nên mình cũng hướng dẫn họ, cho vốn liếng mở tiệm làm ăn, phải đầu tư để mà có tiền sống tiếp. Phật cũng vậy, Phật biểu mình bỏ hết, mình bỏ chưa được. Nếu để cho mình tự do tìm những cái đó thì mình sẽ dùng vô số cách không đúng với lẽ phải để chúng ta đạt được những cái đó. Vì vậy Phật sẽ hướng dẫn mình đạt được cái đó mà trong chánh pháp. Thí dụ: đối với người xuất gia thì Phật biểu phải tránh cái này, tránh cái kia. Nhưng đối với người đời còn có gia đình thì Phật dạy đừng có tà hạnh. Con muốn có gia đình đúng không? thì cũng được nhưng đừng tà hạnh. Con muốn làm ăn đúng không? Được! nhưng con kiếm nghề nào mưu sinh đừng gây tổn hại cho con người, loài vật và thiên nhiên. Con còn buôn bán thì còn nói không thật đúng không? Được! nhưng đừng quá đáng. Phật biết là mình cần có lời nhưng đừng quá đáng. Con ở cái xứ không đóng thuế thì con không khai thuế, nhưng con ở xứ nào bắt đóng thuế thì con cần khai thuế đàng hoàng. Ví dụ như vậy. 

Người ta muốn có con thì Phật Dược Sư dạy cho người ta cầu nguyện, tu hành, bố thí như thế nào để sanh con ra được tốt đẹp. Thay vì bây giờ người ta sanh con ra xong đến đầy tháng, thôi nôi người ta giết gà, giết vịt, giết heo, bò làm tiệc um sùm, muốn đứa con mình khỏe mạnh mà phải hy sinh bao nhiêu con vật khác nên Phật dạy đừng làm như thế, phải tu nhân tích đức để lại cho con bằng cách đừng có sát sinh hại vật, nếu được thì bố thí làm lành hồi hướng cho con. Như vậy thì Phật cũng cho cúng đầy tháng, thôi nôi, thậm chí là sinh nhật nhưng mà phải làm trong chánh pháp. Thì Kinh Dược Sư nói những điều như vậy. Nương theo 12 lời nguyện của Phật Dược Sư mà chúng ta mở được một đời sống tốt đẹp ngay trong đời này. Quý vị nhớ Sám pháp Dược Sư không? ở phẩm thứ 3, mình tu làm sao mà đến ngày mình mất đi thì được sanh về cảnh giới của Phật A Di Đà và có 8 vị Bồ tát tiếp dẫn cho mình, hóa sanh trong hoa quý báu, được sự tiếp nhận, thọ ký của Phật. Thì bây giờ mình nói nôm na thôi, ban ngày là mặt trời mọc, ban đêm là mặt trời lặn. Vậy thì câu mà chúng ta nguyện: “nguyện ngày an lành, đêm an lành. Đêm ngày sáu thời đều an lành. Tất cả các thời đều an lành. Xin nguyện từ bi thường gia hộ”. 

Ý thứ nhất: một ngày buổi sáng mình sống an lành thì ban đêm ngày đó mình cũng sống an lành. Còn ý sâu hơn: đời con sống an lành thì ngày cuối con ra đi cũng an lành. Nói văn nghệ một chút:
 “Buổi sáng nghĩ điều lành
Buổi trưa làm điều lành
Buổi tối mộng điều lành
Ta có một ngày vui”

Lúc trẻ cũng làm lành, trung niên cũng làm lành, về già cũng làm lành, ta có một đời vui. 

“Ngày đêm sáu thời đều an lành”: Nếu nói về thời khắc thì buổi sáng có 2 thời, buổi trưa 2 thời, buổi chiều tối 2 thời, vì ngày xưa 1 canh giờ có đến 3 tiếng. 6 cái an lành này là gì? Mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, 6 cái này lúc nào cũng an lành. Mình mà ngồi đây nghe pháp là mắt, tai gì của mình cũng an lành hết, mà lát hết giờ đi ra thấy mất đôi dép là cái tâm, cái miệng, cái thân mình hết an lành (cười). Cho nên ngày đêm 6 thời đều an lành nói thẳng ra là 6 căn của con lúc nào cũng an lành. Khi nào tâm của mình ham chơi nhiều hơn ham tu thì mình biết là con mắt, cái chân của mình không an lành rồi đó (cười). Còn nếu mình biết rằng chơi thì cũng có giờ, nhưng mà hễ cần bỏ xuống để tu học thì buông xuống được, vậy thì mình mới có an lành. Nói gần hơn nữa mình còn là người đời nhưng mình đang tu đạo thì mình phải biết quân bình đời sống đời đạo để cho gia đình mình an lành. “Tất cả các thời đều an lành. Xin nguyện từ bi thường gia hộ”. Từ bi là ai? Từ bi là sự cảm thông thường đi theo gia hộ cho mình. Sự cảm thông mà nó thường trực trong tâm mình rồi là mình biết mình cần làm gì. Ví dụ mình nói là “người tu thì không được sân”. Nhưng mình mở lòng mình ra mình nghĩ “tu thì tu chứ nhiều khi người ta cũng còn là phàm phu, mình làm quá thì người ta cũng sân. Thôi kệ sân một chút cũng không sao”, mình đem lòng cảm thông, thông cảm cho người tu kia thì là mình đang gia hộ cho mình và người đó rồi. Mình không có chấp nhứt. Mình cùng chung với nhau tất cả các thời đều an lành. Mình với người đó tự nhiên có an lành, bớt đi cái chấp trước. 

 Tuần sau mình học tiếp. Bắt đầu từ hôm nay mình bắt đầu học Kinh Dược Sư. Hôm nay chỉ là buổi khai mạc. 

(Ghi chép lại từ bài giảng Tỏa ánh lưu ly của thầy Thích Pháp Hòa) 

Bài mới

HƯƠNG ĐỨC HẠNH KHÔNG NGỪNG BAY XA
Cho tới hôm nay, “hạnh đầu đà” không còn là cụm từ xa lạ. Nhắc đến nó ta sẽ nghĩ n...
NHỮNG LỜI CHIA SẺ CỦA THẦY MINH TUỆ
NHỮNG LỜI CHIA SẺ CỦA THẦY MINH TUỆ, Sáu năm qua con không là nhân sự ở chùa nào. ...
Hiện tượng hành giả Minh Tuệ
Hiện nay Phật giáo tại VN được chia ra một số tông phái chính, nhưng cơ bản là tru...
Tỏa ánh lưu ly 1 - giảng Kinh Dược Sư - Thầy Thích Pháp Hòa
Đức Phật Dược Sư ở phương Đông còn Phật A Di Đà ở phương Tây. Trong 4 hướng, hướng...
Biên kiến là gì? Bài Kinh Phật dạy về chấm dứt sự TRANH CÃI - Thích Pháp Hòa
Bài kinh này là bài kinh nói về gốc rễ của độc tài, của bạo động là do chúng ta nh...
Lợi ích Sám hối. Tụng sám hối hồi hướng cho cha mẹ như thế nào? Sự khác nhau giữa các phá...
Pháp Hòa hay ví dụ sám hối như chúng ta ăn cơm mà có một chén canh. Không cần biết...
Chân thường, chân lạc, ngân ngã, chân tịnh - Thích Pháp Hòa
Có nghĩa là chuyện thay đổi trên đầu, tóc, da nhăn là chân thường. Và còn cái chân...
Niết bàn là thế nào? - Thích Pháp Hòa
Khi chúng ta diệt được cái sanh tử, độ được cái phiền não là Niết bàn. Niết bàn kh...
Kinh nghiệm chữa bệnh trào ngược dạ dày thực quản của cựu diễn viên Tăng Thanh Hà - Tăng ...
Tôi đã trãi qua một cuộc hành trình điều trị bệnh dạ dày khá gian nan. Tôi bị trào...
Hiểu về Bát quan trai giới - Thích Tuệ Sỹ
TU GIỚI Phật pháp như thuốc hay, nhưng tùy theo căn bịnh. Có điều, không phải như ...

Are you sure?