Lợi ích Sám hối. Tụng sám hối hồi hướng cho cha mẹ như thế nào? Sự khác nhau giữa các pháp sám hối - Thích Pháp Hòa

Lợi ích Sám hối. Tụng sám hối hồi hướng cho cha mẹ như thế nào? Sự khác nhau giữa các pháp sám hối - Thích Pháp Hòa

Hòi 1: Sám hối là gì?

Đáp: Trong Phật giáo có một phương pháp gọi là “Sám hối”. Chữ này do tiếng Phạn và tiếng Trung Quốc ráp lại. Chữ “sám” là tiếng Phạn, nói cho đủ là “Sám ma”, nghĩa là chúng ta nhận ra những lỗi cũ của mình. Chữ “hối” là tiếng Hán, nói cho đủ là “hối quá”. Chữ “quá” nghĩa là lỗi lầm. Chúng ta ăn năn những lỗi lầm mình làm và phát tâm lập nguyện tẩy trừ và không tiếp tục. Nguyên tắc sám hối đúng nghĩa nhất là không tái phạm những gì chúng ta làm. Nhưng muốn để chúng ta có phương tiện hướng về thì chư Tổ bày ra những phương thức để chúng ta sám hối. Pháp Hòa hay ví dụ sám hối như chúng ta ăn cơm mà có một chén canh. Không cần biết bữa ăn đó mặn, xào, chiên, kho như thế nào, nhưng nếu có một chén canh thì bữa cơm đó dễ nuốt, dễ trôi và đầy đủ hơn. Tu cũng vậy, mình tu niệm Phật, ngồi thiền, trì chú v.v.. nhưng nếu chúng ta có sám hối thì nghiệp chướng của chúng ta có thể tiêu trừ và đường tu của chúng ta dễ thông suốt hơn là bị trở ngại. Ví dụ như mình muốn ngồi thiền, niệm Phật mà mình cứ bệnh hoài thì mình cũng không ngồi thiền, niệm Phật được. Hoặc là mình sắp sửa đi tụng kinh thì tự nhiên có chuyện gì nó đến làm mình bỏ đi thời tụng kinh của mình.
 
Ở trong nhà Phật, cái gì làm trở ngại cho sự tu của mình, cản trở, ngăn che mình thì cái đó là “chướng”. Ví dụ như muốn học thuộc kinh mà hễ cầm cuốn kinh lên là buồn ngủ thì đó là chướng. Buồn ngủ, hôn trầm làm chướng ngại mình. Mình đi chùa tụng kinh mà vợ, chồng, anh em, cha mẹ nói tới nói lui, làm cho mình phiền muộn. Thậm chí vì thương người nhà, sợ mình đi chùa rồi người nhà nói này nói kia rồi phạm khẩu nghiệp cái mình bỏ đi chùa mà ở nhà. Tất cả những hình thức đó đều gọi là chướng hết. Vậy thì chúng ta phải có phương pháp sám hối. 
 
Phương pháp mà chúng ta sám hối gọi là “thủ tướng sám hối”. “Thủ tướng” tức là chúng ta phải giữ một cái tướng trạng nào đó để mà sám hối. Chẳng hạn như là đứng lên lạy xuống đọc một danh hiệu của Phật. Mà bây giờ đứng lên lạy xuống không nổi nữa, ngồi xá hoặc quỳ lạy. Nói chung là mình có một cách nào đó đúng với khả năng, sức khỏe, hoàn cảnh của mình, gọi là “thủ tướng sám hối”. Rồi chúng ta phải chọn cho mình một nghi thức ví dụ như là “Hồng danh bảo sám” hay là “Lương hoàng sám” hay là “Thủy sám”. Nghi thức nào cũng được, tùy theo sức khỏe, thời gian của mình chứ không phải mình lạy nhiều mới hết tội. Nhưng mà chúng ta dụng một phương pháp nào đó để có điểm tựa. Cũng giống như mình lễ Phật, có tượng, có hình, hoặc hình trong bao nhang mình dán lên rồi lạy cũng được. Thậm chí ở những nơi không có Phật mình để quyển Kinh mình lạy cũng được nữa. Quyển kinh đó mặc dù chỉ là giấy trắng mực đen, nhưng nó là phương tiện làm điểm tựa cho tâm của chúng ta. Quý vị tu hành, không phải là mình đang bệnh, đang gặp chướng ngại thì mới sám hối mà tất cả chúng ta ai tu đều phải sám hối hết. Vì mình có sám hối thì mỗi ngày thì Nghiệp sẽ mỏng đi. Nghiệp quá khứ của mình kéo mình về đây. Rồi trong mấy mươi năm mình sống ở đời đây, mình tạo thêm nghiệp hiện tại. Pháp Hòa ví dụ: đời trước nghiệp của mình là nóng nảy mà bây giờ mình không nhận ra cái nghiệp căn bản của mình là sân, rồi mình vẫn tiếp tục sân. Hễ cứ sân là nói bậy tạo khẩu nghiệp. Nghiệp quá khứ cộng nghiệp hiện tại. Mình tu mình phải nhận ra. 
 
Cách sám hối của nhà Phật là phương pháp, là cách thức rồi chư Tổ mới soạn ra cho mình những lời văn trong đó để cho mình lễ sám. Vì mình muốn nói mà mình không biết nói, nói không có bài bản, cho nên chư Tổ soạn ra văn chương đàng hoàng cho mình để theo đó mà làm. Còn nếu như ai đó mà không biết gì hết thì mỗi ngày thành tâm lễ Phật xong chắp tay hướng Phật nói “đệ tử thành tâm sám hối tất cả những lỗi lầm của con từ quá khứ cho đến hiện tại. Nguyện cho con nghiệp chướng tiêu trừ để cho con đầy đủ sự tinh tấn tu học”. Như vậy cũng được. Cho nên đầu tiên mình phải phát được cái thủ tướng sám hối, nghi thức sám hối, phải có sự phát tâm ăn năn những nghiệp mình làm, phải sửa lỗi. Một mặt là sám hối, một mặt là không làm. Giải nghiệp cũ, ngăn chừa lỗi sau. Cho nên mới có chữ “Sám nguyện”. Sám là ăn năn những điều chúng ta làm. Nguyện là phát nguyện không làm lỗi đó nữa.

Hỏi 2: Xin thầy giải thích sự khác biệt giữa kinh sám hối hồng danh, kinh thủy sám và sám hối sáu căn.

Đáp: Thưa đại chúng, tất cả những nghi thức sám hối không phải do Phật nói mà là do chư Tổ soạn ra cho nên chúng ta gọi là “Sám pháp” chứ không phải là “Kinh”. Kinh là do Phật nói. Cái gì do Tổ soạn ra cho mình tụng gọi là Sám pháp. Sám pháp là gì? Là phương pháp giúp cho mình sám hối. Mà chư Tổ soạn ra cũng không phải là soạn không căn cứ mà căn cứ từ những kinh điển, lời Phật, soạn ra cho chúng ta tụng. Nhưng mà bởi vì căn cơ chúng sanh, thời gian có khác nên chư Tổ soạn ra nhiều phương cách cho phù hợp. Mình có thời gian nhiều, tụng Thủy sám. Mình có ít thời gian, tụng sám hối sáu căn. Thời gian trung bình thì tụng Hồng danh bảo sám, cái nào cũng được hết. Cái quan trọng là mình biết sức khỏe của mình, thời gian và hoàn cảnh của mình để chúng ta thực hiện một nghi thức. Bởi vì Sám hối có 4 cách: nghi thức sám hối, tác lễ sám hối, hồng danh sám hối và bình đẳng sám hối

Khi mình cảm thấy rằng mình cần một nghi thức nào đó để mình thực hiện để bày tỏ lòng chí thành của mình, cái đó gọi là "nghi thức sám hối". Rồi mình phải mượn danh hiệu chư Phật để mình lạy, mình sám hối, cho nên gọi là “hồng danh”. Tất cả danh hiệu Phật đều gọi là hồng danh hết. Chữ “hồng” là to lớn. Mỗi danh hiệu của chư Phật, chư Bồ tát rất là to lớn. Tại sao to lớn? tại vì quý Ngài do tu mà được cái hồng danh này. 

Pháp Hòa ví dụ: Thích Ca Mâu Ni Phật do sự tu hành siêng năng tinh tấn nên Ngài mới có hiệu Thích Ca. Ngài do luôn luôn trở về được với sự vắng lặng ở bên trong cho nên mình gọi Ngài là Thích Ca Mâu Ni. Chữ “Thích Ca” nghĩa là năng nhân, là người có khả năng. “Mâu Ni” dịch là tịch mặc. Người có khả năng sống vắng lặng gọi là Thích Ca Mâu Ni. Như vậy thì do Ngài thường thích sự vắng lặng nên Ngài được hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Và khi chúng ta lễ lạy danh hiệu Phật là chúng ta nguyện học tập đúng với danh hiệu đó, để chúng ta tập tu giống như Ngài. "A Di Đà" nghĩa là vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức. Mình lễ Phật A Di Đà là mình học cái hạnh trí tuệ vô lượng. Công đức hành đạo của mình vô lượng để mình được sống mãi với cái pháp thân thanh tịnh đó của mình. Cho nên mới gọi là hồng danh. 

Quý vị nhớ là ở thế gian ta có những người, người ta có phương danh, có mỹ danh, là do cái hạnh lành của người ta. Ví dụ mình gặp người ta mình hỏi “dạ xin cho tôi biết quý danh”. Tên anh là có rồi đó, nhưng tôi trân trọng, tôi muốn biết cái tên rất quý của anh là gì?. Nên hỏi nhau danh. Còn đối với chư Phật là hồng danh.

Nhưng cũng có khi chúng ta do sống với cái nghiệp dở của mình, cái nghiệp kém của mình mà mình bị “chết danh”. Có không? Có những người sống mà chết danh luôn á. Ví dụ như mình nổi nóng như lửa, người ta gặp mình người ta kêu “Tư lửa” (cười). Chúng sanh mình do tập nghiệp mà chết danh. Người tu hành do tu tập chuyển hóa mà được hồng danh. Nên quý vị tụng cái nào cũng được hết. 

Bản Thủy sám là từ Trung Quốc. Do Ngộ Đạt quốc sư tự Ngài soạn ra để mà sám hối tội, nghiệp của chính bản thân Ngài. Ngài cũng bị một cái tội nghiệp rất nặng cho nên sau đó Ngài viết văn đó để cho tự Ngài sám hối và truyền bá lại cho người sau. Hồng danh sám hối là do một vị Tổ từ thời nhà Tống soạn ra. Sám hối 6 căn đặc biệt là do Tổ Việt Nam mình soạn ra. Như vậy thì quý vị tụng bất cứ bài sám hối nào cũng được quan trọng là lời lẽ trong đó tha thiết chí thành thì chúng ta tụng. 

Hỏi 3: Con cái tụng kinh sám hối hồi hướng cho cha mẹ lúc tuổi già đau bệnh thì phải nên tụng kinh nào và tụng như thế nào?

 Đáp: Như hồi nãy Pháp Hòa nói, chúng ta tụng sám hối nào cũng được hết. Còn tụng như thế nào? Ngắn, dài, ít, nhiều tùy mình. Nhưng khi mình tụng vì cha mẹ thì mình nguyện: “con xin đại vì ba/ mẹ của con tên ABC, xin chí thành sám hối tất cả những tội, nghiệp của ba/mẹ con từ vô lượng kiếp cho đến đời này. Nguyện nhờ công đức sám hối này ba/mẹ con hiện đời biết hướng về Phật pháp, có được cái tâm thanh tịnh, sanh thuận tử an, một hậu lâm chung vãng sanh về cõi Phật". Thật ra sám hối là phải tự mỗi người sám hối nhưng chúng ta cũng có thể thay vì cha mẹ bởi vì chúng ta có cái ơn của cha mẹ sanh thành dưỡng dục. Bây giờ mình đáp đền cho cha mẹ ngoài việc cơm ăn, áo mặc, phụng dưỡng lúc đau bệnh, mình còn hướng tâm cho cha mẹ trở về sự an định lúc tuổi già, cái đó gọi là đại hiếu.

Lúc nãy có một câu hỏi “người đi tu có phải là bất hiếu không?”. Người đi tu không bất hiếu mà là đại hiếu. Tại sao? Nếu mình ở nhà mình chăm sóc cho cha mẹ mình đời này thì cũng chỉ 1 đời thôi. Còn nếu mình đi tu rộng độ cho muôn người, trong đó không chỉ có một cha mẹ mà rất nhiều cha mẹ nhiều đời, bà con quyến thuộc của mình. Rộng độ chúng sanh. Thí dụ như quý vị ngồi đây, có những vị đáng ông bà, cha mẹ, anh chị của Pháp Hòa thì Pháp Hòa có giúp được cho quý vị cái gì, đó là Pháp Hòa đang đền ơn cho tất cả. Như vậy thì nếu như cha mẹ hiện đời chưa cần đến mình, mình tạm gác qua đó, mình đi trả hiếu cho cha mẹ, bà con quyến thuộc khắp nơi. Đến khi cha mẹ hiện đời này già yếu cần đến mình, chừng đó mình sẽ đứng ra lo cho cha mẹ chứ không buông bỏ cha mẹ. 

(Ghi chép lại từ bài giảng của thầy Thích Pháp Hòa trên kênh Youtube Pháp Thoại Thích Pháp Hòa)

Bài mới

HƯƠNG ĐỨC HẠNH KHÔNG NGỪNG BAY XA
Cho tới hôm nay, “hạnh đầu đà” không còn là cụm từ xa lạ. Nhắc đến nó ta sẽ nghĩ n...
NHỮNG LỜI CHIA SẺ CỦA THẦY MINH TUỆ
NHỮNG LỜI CHIA SẺ CỦA THẦY MINH TUỆ, Sáu năm qua con không là nhân sự ở chùa nào. ...
Hiện tượng hành giả Minh Tuệ
Hiện nay Phật giáo tại VN được chia ra một số tông phái chính, nhưng cơ bản là tru...
Tỏa ánh lưu ly 1 - giảng Kinh Dược Sư - Thầy Thích Pháp Hòa
Đức Phật Dược Sư ở phương Đông còn Phật A Di Đà ở phương Tây. Trong 4 hướng, hướng...
Biên kiến là gì? Bài Kinh Phật dạy về chấm dứt sự TRANH CÃI - Thích Pháp Hòa
Bài kinh này là bài kinh nói về gốc rễ của độc tài, của bạo động là do chúng ta nh...
Lợi ích Sám hối. Tụng sám hối hồi hướng cho cha mẹ như thế nào? Sự khác nhau giữa các phá...
Pháp Hòa hay ví dụ sám hối như chúng ta ăn cơm mà có một chén canh. Không cần biết...
Chân thường, chân lạc, ngân ngã, chân tịnh - Thích Pháp Hòa
Có nghĩa là chuyện thay đổi trên đầu, tóc, da nhăn là chân thường. Và còn cái chân...
Niết bàn là thế nào? - Thích Pháp Hòa
Khi chúng ta diệt được cái sanh tử, độ được cái phiền não là Niết bàn. Niết bàn kh...
Kinh nghiệm chữa bệnh trào ngược dạ dày thực quản của cựu diễn viên Tăng Thanh Hà - Tăng ...
Tôi đã trãi qua một cuộc hành trình điều trị bệnh dạ dày khá gian nan. Tôi bị trào...
Hiểu về Bát quan trai giới - Thích Tuệ Sỹ
TU GIỚI Phật pháp như thuốc hay, nhưng tùy theo căn bịnh. Có điều, không phải như ...

Are you sure?