Lợi ích của việc tụng kinh mỗi ngày. 3 loại tinh tấn. 5 nghĩa của chữ "Kinh". 5 năng lực của mưa - Thích Pháp Hòa

Lợi ích của việc tụng kinh mỗi ngày. 3 loại tinh tấn. 5 nghĩa của chữ "Kinh". 5 năng lực của mưa - Thích Pháp Hòa

Tâm của mình giống như một mảnh đất. Mảnh đất này nếu chưa được cày xới thì nó sẽ khô cằn. Cho nên tâm của mình giống như mảnh đất hoang. Mỗi ngày chúng ta phải cày xới và để cho đất, để cho nước thấm vào lòng đất. Thì khi đất mềm thì mới trở thành miếng đất màu mỡ có thể trồng tất cả các loại hạt giống ở trong đó. Trong tâm của chúng ta có đầy đủ những hạt giống tốt, nhưng mà bởi vì đôi khi chúng ta sống thiếu chánh niệm. Chánh niệm là gì? “Chánh niệm” tức là ý thức nhận rõ là chúng ta có cái tốt mà chúng ta cần phát triển, và chúng ta cũng có những hạt giống xấu cần làm cho nó lắng xuống, đừng có để nó sinh khởi. 

Ngược lại với chánh niệm chúng ta gọi là “thất niệm”. Thí dụ như mình có chánh niệm mình sẽ nhớ để chìa khóa ở đâu. Hôm nào mình thất niệm thì mình quên. Tại sao mình bị thất niệm? vì mình có nhiều thứ để lo lắng cho nên lâu ngày mình hình thành thói quen, tập khí sống trong sự quên lãng. Có nhiều khi mình ăn cơm mà mình không biết là mình đang ăn cơm. Mình ăn cơm với tivi, mình ăn cơm với điện thoại, mình ăn cơm với tờ báo và với những câu chuyện mà nó không quan hệ đến đời sống hàng ngày của mình. Cái đó gọi là thất niệm. Còn nếu chúng ta làm gì mà chúng ta biết rõ chúng ta đang làm gì. Ví dụ hôm nào mình không được khỏe thì mình phải cẩn thận những món ăn để chắc chắn rằng món ăn đó không làm cho cơ thể mình sanh bệnh. Cái đó gọi là chánh niệm. 

Mình phải biết rất rõ về thân cũng như mình cũng phải biết rất rõ về tâm. Khi đời sống của mình bắt đầu có chánh niệm thì mình bắt đầu có sự an lạc. Cũng giống như mình đi chùa tụng kinh hay tụng kinh ở nhà. Tại sao mình phải tụng kinh mỗi ngày dù bài kinh đó mình cứ tụng tới tụng lui? Thí dụ bài Bát nhã tâm kinh. Tụng hoài. Nhưng mà đến bây giờ mình có thẩm thấu toàn vẹn bài Bát nhã 260 chữ chưa? Chưa! Nhưng mà mình có thấm được chút chút trong đó không? Được! tuy nó không nhiều nhưng ít nhất mình cũng biết “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Mình biết là không tức là sắc, sắc tức là không. Mà không phải một thứ. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy. "Thọ" là cảm thọ. Quý vị có tin là thọ cũng là 0 không? Cảm thọ, cảm nhận của mình cũng là không. Thí dụ bây giờ mình ngồi ở đây nóng quá mình mở máy lạnh, mình thọ dễ chịu. Nhưng mà một hồi lạnh quá cái mình tắt. Cảm thọ của mình nó do cái bên ngoài tác động nên nó không có tồn tại mãi mãi. 

“Tưởng” là tưởng tượng. Mình nói chuyện với một người qua điện thoại, mình tưởng tượng họ thế này thế kia giống như là Trương Chi, Mị Nương. Mị Nương ngồi trên phòng nghe tiếng sáo của Trương Chi vi vút rất hay thì nghĩ rằng tiếng sáo hay nhất định phải là người đẹp. Tới hồi gặp Trương Chi rồi là cô xỉu vì Trương Chi xấu quá. So với cái lâu nay cô tưởng tượng, giờ cô gặp, nhận ra, cô bừng tỉnh rồi hết yêu, hết thương. Ngược lại, bây giờ Trương Chi thương Mị Nương. Tại Trương Chi thấy nét đẹp của cô rồi. 

Quý vị thấy không Sắc, Thọ, Tưởng, cái mình tưởng tượng là nó không có thiệt. Bát nhã tâm kinh gọi là “Vọng tưởng”. Mà vọng tưởng thì nhất định sẽ "điên đảo". Điên là sai, đảo là ngược. Điên đảo là mình thấy sai thấy ngược. Cái thường thì mình cho là vô thường. Ví dụ như cái thay đổi là thường. Cái già là rất thường, cái chết là thường nhưng mình không chấp nhận. Cái thường chúng ta cho là không thường và cái không thường chúng ta cho là thường. Mình tu, mình tụng kinh để mỗi ngày mình tưới tẩm đất tâm của mình. Hôm nay mình khổ vì chuyện gì đó mình lên mình tụng một thời kinh. Mà không phải khổ mới đi tụng kinh. Ngày nào cũng giờ đó nhưng mà trong cuộc sống hàng ngày lâu lâu mình vấp phải một việc, nhưng mà nhờ lên tụng kinh thì lời kinh nhắc nhở mình, hoặc là mình chú tâm vào lời kinh thì bao nhiêu phiền não nãy giờ mình lo toan nó tạm thời đi ngủ, đi chơi hết, tâm mình thanh thản được một hai tiếng đồng hồ. Thay vì buồn mình đi uống rượu, mình nghĩ là mượn rượu để giải sầu nhưng càng uống thì sầu càng nhiều. Vì “khi tỉnh rượu lúc tàn canh, một mình mình lại thương mình xót xa”. Khi mình tỉnh rượu giữa đêm khuya thì mình giật mình, mình thấy mình trống vắng, buồn vẫn buồn. Nếu mình có chánh niệm, mình nói hello buồn. Mình không có sợ, không từ chối cái buồn, không chạy trốn cái buồn. Biết mình đang buồn. Biết để làm gì? Để tìm pháp môn cho đúng để giải buồn chứ không có đi uống rượu hay đi chơi ở đâu đó để tạm quên cái buồn. Cái đó không phải cách. 

"Tụng" tức là lặp đi lặp lại. Ngày nào mình cũng tụng kinh để lời kinh thấm vào đất tâm của mình. Hoặc là mình nghe pháp. Mình tụng kinh, nghe pháp để cho đất tâm của mình mềm ra. Mình thấy được lợi ích của việc tụng kinh thì mình mới siêng năng. Gọi là tinh tấn. Một khi mình đã tường tận, tinh tường, mình đã thông suốt lý do gì mình cần siêng năng thì mình sẽ siêng năng dễ dàng. Khi mình đã có được cái đó rồi thì trong tâm của ta sẽ mặc một cái áo không phải là áo tràng nữa mà bây giờ là một cái áo giáp của sự tinh tấn. Nếu mình không tinh tấn sẽ bị những thứ bên ngoài lôi kéo. Thí dụ như tối nay mình có chương trình tham dự pháp thoại, bạn mình gọi rủ mình đi chơi. Nếu như mình cảm thấy đi chơi cũng vậy thôi, nhưng nếu đi nghe pháp mình học hỏi được chút ít, mình trau dồi thêm thì sự việc bạn rủ đi chơi không làm lủng cái áo giáp của mình. Cho nên tinh tấn còn được gọi là “bị giáp tinh tấn”. Chữ bị là mặc, mặc cái áo giáp tinh tấn. Một khi mình mặc áo giáp này vào rồi thì ngày nào mình cũng liên tục như vậy gọi là “gia hạnh tinh tấn”. Tinh tấn có 3 loại.  

Tại sao mình tụng kinh phải có cái mõ? Vì khi mình để cái mõ có hình con cá. Con cá khi nó ngủ nó cũng không nhắm mắt, để nhắc nhở chúng ta phải luôn tỉnh thức như con cá. Con cá nó bơi lội. Chúng ta cũng thế, là những con cá đang bơi lội trong biển đời này mà mình luồng lách đủ kiểu để một ngày mình bơi thẳng đến chỗ mình hóa ra con rồng. Cá hóa long. Ý nói mình vượt chỗ khó khăn bế tắc để mình đi tới chỗ đó. Nhưng nếu mình không siêng năng như con cá thì làm sao mình tới đó được? Đồng thời khi mình dụng cái mõ khi mình tụng kinh thì tay mình thỉnh tiếng mõ đều đều đều đều như vậy gọi là “gia hạnh tinh tấn”. Ý nghĩa mình thỉnh mõ là như vậy. Vì khi mình tụng kinh mỗi người mỗi ý, người nhanh người chậm khó mà đi đến chỗ thống nhất chung được nên chư Tổ chế cái mõ ra để mình tụng. Khi mình đã gia hạnh tinh tấn rồi thì mình phải nhớ không được bao giờ tự mãn, tự cho mình là đủ mà mình luôn luôn mở lòng học hỏi gọi là “vô hỷ túc tinh tấn”. Vô hỷ túc tức là không có thấy vui, không tự mãn, không thấy mình đã đủ. 

Có nhiều người nói “giờ tôi không cần đi chùa tụng kinh gì nữa hết. Ở nhà tôi tu đủ rồi”. Cái đó không có nên. Tại sao vậy? Quý vị để ý coi, mình ăn ngày 3 cữ, thiếu một cữ chịu không nổi. Một ngày 3 cữ cơm để nuôi thân mà sao không có cữ ăn nào để nuôi tâm hết? vậy sao được? Cho nên phải niệm Phật, tụng kinh, ngồi thiền, nghe pháp để nuôi tâm của mình. Và khi mình khổ trong cuộc đời này thì cái đó giúp mình chứ không có gì giúp mình được hết. Mình lễ Phật đưa tay lên trán là cầu chỗ cao thượng. Muốn cầu chỗ cao thượng thì mình phải hạ mình xuống. Cho nên đem hết con người mình mọp dưới đất xong hai tay mình phải xòe ra lại tượng trưng cho mở lòng. Chỉ khi nào mình mở lòng thì người khác mới mở lòng với mình. Mình không mở lòng mà bắt người ta mở lòng với mình làm sao được? Sống ở đời mình không có đối làm sao có đáp? Mình phải đối thì mình mới có đáp. Mình không đêm ngày tụng kinh thì làm sao kinh đến với mình được. 

Trong kinh Địa tạng phẩm 12 đức Phật nói: “người nào học kinh hoài mà không thuộc thì xoay mặt về hướng Nam lễ đức Địa tạng rồi lấy ly nước để trước tượng Địa tạng, tụng kinh Địa tạng, niệm danh hiệu của Địa tạng trong 21 ngày. Khi nước vào miệng phải chí tâm trịnh trọng. Phải cử ngũ tân, rượu thịt, tà dâm, cùng nói dối." 

“Trong 21 ngày chớ sát sanh
Chuyên lòng tưởng niệm thượng nhơn danh
Chiêm bao thấy rõ tôn dung hiện
Thức rồi liền đặng trí khôn lanh.
Học rồi kinh sách nghe qua tai
Nghìn vạn đời sau nhớ chẳng sai
Chính nhờ Địa tạng oai thần đó
Thầm giúp người kia có huệ tài.”

 
Kinh Địa tạng nói như vậy. 

21 ngày là một con số biểu tượng liên tục không dừng nghỉ “gia hạnh tinh tấn”. "Địa tạng" là gì? Địa tạng là tâm. Sở dĩ mình không thuộc kinh là mình để cho tâm mình mông lung. Ngồi tụng kinh mà nghĩ này nghĩ kia. Thường thường cái gì mình thuộc mình phải nhắm mắt chí tâm tụng mà đa số mình bị thói quen là hễ thuộc cái bắt đầu mình ngó, mình mất tập trung. Vì không thuộc mình mới nhìn kinh. Dở quyển kinh ra nhìn vô gọi là đọc kinh. Còn khi mình thuộc lòng rồi thì gọi là tụng kinh. Khi tụng kinh mình phải chí tâm để mình trở về với Địa tạng của mình. Tại sao trong kinh Địa tạng nói lấy một ly nước? Vì ly nước tượng trưng cho thanh tịnh lắng đọng. Chỉ khi nào tâm thanh tịnh lắng đọng liên tục thì kinh điển mới rót vô người mình được. Ví dụ bây giờ quý vị phát nguyện 21 ngày hạn chế nói điện thoại (trừ khi nào rất cần thiết). Khi nào thật sự cần mới bắt phone chứ không có kiểu: “chị, hôm nay Chủ Nhật em không có đi chùa có gì lạ không?” (cười). Đâu có cần mấy cái đó. Khi nào có hữu sự, có việc gấp thì mình kiếm. “Chị, chị em mới nghe con nhỏ đó bị giựt hụi thiệt không chị?”. Cái chuyện đó có phải là chuyện của mình không? Cho nên cứ như vậy hoài thì lấy gì mà thuộc kinh cho nổi? Trong 21 ngày chớ sát sanh, chuyên lòng tưởng niệm thượng nhân danh (tên của Ngài Địa tạng, mà Địa tạng là chỉ cho tâm. Người muốn trở về sự trong sáng chỉ khi nào xoay lại được với tâm liên tục, thuần thục, và tâm phải luôn lắng tịnh thì kinh điển nó vô. Chuyện đó là sự thật chứ không phải là chuyện mê mờ. Nhưng mà bởi vì trong kinh hướng dẫn cho chúng ta hình ảnh lạy Địa tạng vì đức Địa tạng là tượng trưng cho tâm. Địa là dày chắc, tạng chứa đủ. "Cõi nước phương Nam nổi mây thơm, rưới hương rưới hoa hoa vần vũ." Thì khi mà mình trở về được với tâm mình và tâm mình nó lắng đọng xuống như một ly nước trong mà liên tục như vậy. Bây giờ quý vị thử học một bài kinh, hổng lẽ trong 21 ngày không thuộc? Mà nếu mình vừa học kinh vừa coi Tivi, rồi trong Tivi hát cải lương cái mình ngồi ngày này học kinh thì sao mà thuộc cho nổi? Nó đâu có tương ưng. Muốn tương ưng là phải tắt tivi để có sự thanh tịnh. Sự thanh tịnh mới tương ưng với kinh điển, mới đưa chữ nghĩa vào bên trong mình được. 

“Gia hạnh tinh tấn” “bị giáp tinh tấn”, “vô hỷ túc tinh tấn”. Tại sao mình phải tụng kinh? Bởi vì chữ “kinh” là mình nói tắt. Nói cho đủ là “khế kinh”. Tại sao gọi là khế kinh? Vì 1 là phải “khế lý”, 2 là phải “khế cơ”. “Khế lý” là hợp với chân lý. Khế cơ là hợp với căn cơ. Mình nói đúng sự thật mà căn cơ hổng được thì cũng trật. Ví dụ: ngày hôm nay lẽ ra trước khi nói tiếng Việt, Pháp Hòa phải nói tiếng Anh theo như các nơi khác, trước khi nói tiếng Việt là có 15 phút nói tiếng Anh. Nhưng bây giờ nhìn xuống đây không thấy người trẻ nhiều cho nên nói tiếng em không cần nói tiếng Anh (cười). Nhưng mà nếu như mình vô cái mình nhắm mắt nhắm mũi không có quán cơ, mình cứ nói lý thôi “my dear brothers, sister, how are you?” cái mấy ông bà già ở đây nói “ổng nói gì vậy?” (cười) “bữa nay tôi có đi nghe lộn người không?” thí dụ như vậy. Vậy thì khế cơ tức là mình nói đúng với căn cơ trình độ của mỗi người như vậy thì mới hợp lý. Còn nếu mình nói lý, là nói lẽ thật mà căn cơ người ta không hiểu (ví dụ như mấy bác lớn tuổi làm sao người ta hiểu tiếng Anh?). Hay là bây giờ Phật tử mới bắt đầu học Phật mà đem Đại thừa, Bát nhã hay Luận này Luận kia ra giảng sao người ta hiểu? Cho nên mặc dù mình thao thao nói lý nhưng không hợp với cơ thì cũng trật lý. Cho nên đó là nghĩa của chữ “kinh”. Kinh có 5 nghĩa: 

Nghĩa thứ nhất là “xuất sanh”. Xuất là cho ra, sanh là sự sống. Kinh điển cho mình một sự sống. Ngày xưa mình cũng sống, nhưng mà sống khổ. Sống trần ai khoai củ. Sống mà đau ngày không đủ tranh thủ đau đêm. Lên giường vẫn còn lo toan đủ thứ, nhưng mà nhờ mình học kinh, Phật dạy cho mình lẽ thật của đời, “có thân nên khổ vì thân, bởi xưa chơn tánh niệm lành say mê”. Mình nghe được như vậy nên tâm mình dần dần sáng ra. Khi mà mình sáng ra tức là mình đang đi dần ra cái cõi khổ, lưu xuất cho mình sự sống.

Nghĩa thứ 2 là “hiển thị”. Nghĩa là hiển bày giáo lý và chỉ cho chúng ta rõ. Ví dụ mình đọc trong kinh, Phật nói “người nào tham thì tập bố thí, người nào sân thì quán từ bi, người nào si thì lấy trí tuệ quán”. Si là mê mờ, vận dụng trí tuệ để quán nhân duyên, các pháp là do duyên sinh cho nên không có gì buồn hết. Mình gặp người đó rất tình cờ trên một chuyến xe buýt, mình nói chuyện với người đó, người đó cho mình số phone, cái mình bắt đầu mình tưởng tượng người đó thương mình rồi. Rồi mình về mình càng nhắn tin nói chuyện suốt, càng ngày càng sâu, rồi người ta thấy hơi quá sâu rồi người ta giữ khoảng cách xong mình buồn. Mình nói “trời ơi tại sao người đó không thương mình?”. Mình phải biết duyên là gặp nhau, nhưng mà chưa đủ đậm sâu thì làm sao mắc nợ nhau được. Hiểu như vậy hết mê. Cho nên hết si. Vì sao mà bớt si mê? Tại vì mình bớt đi và lấy trí tuệ để hiểu ở đời tất cả phải nói đến duyên. Không đủ duyên, không hình thành được. Mình hiểu như vậy thì mình nhẹ lòng ra. Kinh điển hiển cho mình một giáo lý thâm sâu, rõ ràng, chỉ cho mình đường đi nước bước rất rõ. Cho nên kinh còn có nghĩa là “hiển thị” là “xuất sanh” cho mình sự sống. 

Kinh còn có nghĩa là “thằng mặc”, giống như sợi dây mà mình căng ra giống mấy người cưa gỗ, ngườ ta có sợi dây phấn, người ta căng ra đầu này, đầu kia rồi búng sợi dây cho phấn nó rớt xuống gỗ, người ta đem đi cưa không có bị méo. Kinh điển cũng vậy, chỉ cho mình cái mực thước. 

“Muốn đi có một đường này
Nhất tâm niệm Phật có ngày thoát ra”

Kinh còn có nghĩa là “tuyền dũng”. Như một dòng suối mạnh đẩy hết tất cả rễ, những cây, những dơ nằm trong góc trong kẹt của khe của suối, đẩy ra hết. Trong tâm mình cũng vậy, còn chút chút gì đẩy ra hết. Ví dụ mình nói “tôi bây giờ ai chửi tôi thì chửi tôi nhịn được hết”. Nhưng mà mình nhịn người ngoài được chứ về nhà mình không có nhịn. Vậy là mình nhịn được có một phần thôi. Khi nào mình nhịn được người nhà, mình thấy được rằng người nhà cũng là những chúng sanh cần được nhịn. Mình đi vô chùa mình làm công quả cả ngày mình không than, mà mình về nhà mình rửa có mấy cái chén mà mình than từ sáng tới chiều. Vậy là mình thấy ở nhà là yêu tinh, vô chùa mới có chúng sanh cho mình phụng sự. Đến khi nào mình thấy “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Ở nhà mình cũng chúng sanh, ở trong chùa cũng là những chúng sanh, mà chúng sanh nào cũng cần được độ hết, mà đặc biệt chúng sanh trong nhà mình gần gũi với mình nhất, có duyên với họ nhiều nhất thì mình độ cho họ hơn nữa. Mình đọc kinh như vậy mình hiểu được 5 nghĩa của kinh. 

Nghĩa thứ năm là “kết mang”. Kết là xâu lại, mang là cái vòng, như cái vòng hoa kết từng cái bông lại đeo trên người mình. Mình tu cũng vậy. Bây giờ học Phật câu nào hay mình xâu lại, mình xâu lại, mình kết lại mình biến mình thành người Phật tử linh động. Đi đến đâu mình sống cũng nhẹ nhàng dễ thương. 

Pháp Hòa nói lại 5 nghĩa của chữ “Kinh”: Xuất sanh, Hiển thị, Thằng mặc, Tuyền dũng, Kết mang

Ví dụ như mình học được câu “Nhẫn”, câu “Tinh tấn”, bên kia mình học được câu “thiền định”. Cho nên bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào người mình cũng sống dễ thương và sống đẹp được vì bây giờ trên người mình đã có vòng hoa rồi. Cái vòng hoa mình kết vô người rồi. Mỗi lời Phật dạy trong các kinh điển câu nào cũng hay, và mình thấy hay thì mình kết cho mình một cái bông cho mình đeo. Bây giờ Kinh thấm trong đất tâm, người ta gọi là “mưa dầm thấm lâu”. Mình chơi với bạn xấu, mình gần những người nói bậy, chửi thề riết mình cũng nhiễm mấy câu đó. Mình gần ai, người ta nói cái gì lâu ngày mình cũng bị thấm bởi vì tâm của mình như mảnh đất, mỗi ngày người ta cứ gieo hạt giống gì.

Người ta có thí nghiệm trồng cây. Một cây mỗi ngày cho nghe nhạc, cho nghe lời thánh thiện. Một cây khác mỗi ngày người ta cho nó nghe nhạc Rock&Roll và những lời chửi bới, những lời sân si. Thời gian sau cây mà nghe êm dịu nó mọc, cây kia nó héo. Cái cây thôi mà khoa học người ta còn thử được như vậy huống chi là con người mình. Quý vị để ý coi, kinh điển mà mình thường tụng mình đang dần dần quen rồi, tự nhiên hôm nào mình bỏ tụng một thời gian quay lại là mình không nhớ rõ. Đi chùa cũng vậy, tuần nào cũng đi, bẵng đi một thời gian không đi, giờ kêu đi lại là mình làm biếng. Mình đang đi làm, lấy 2 tuần, 3 tuần, 1 tháng nghỉ hè đi chơi sau đó trở về làm biếng đi làm. Chứng minh rằng cái gì thiếu “gia hạnh” là mất đi sự tinh tấn. Cho nên mình tu không có tu kiểu tu rị (cười), mình không có thăng tiến được. Mình siêng năng để làm gì? Để làm cho đất tâm mình mềm, mưa thấm đất tâm. 

Trong kinh Pháp Hoa có nói giáo pháp của Phật như một trận mưa rơi xuống đồng đều không phân biệt nhưng mà cây to thì hút nước nhiều, cây vừa vừa thì hút nước vừa đủ, cây nhỏ thì hút nước ít, cây không có rễ thì nó không thể hút nước. Giáo pháp của Phật cũng vậy, Phật nói pháp như một trận mưa đều xuống nhưng mà tùy căn cơ mỗi người mà người ta thấm khác nhau. Ví dụ Pháp Hòa giảng nãy giờ, Phật tử nào nghe pháp nhiều rồi, quý vị hiểu dễ dàng, người nào nghe kha khá hiểu được chút chút. Người nào chưa bao giờ nghe thì hiểu câu được câu mất, chút hiểu chút không chứ không phải là không hiểu gì hết. Chút chút thôi. Và đặc biệt có những đứa nó không hiểu gì hết tại vì nó không hiểu tiếng Việt (cười). 

Mưa cũng giống như giáo pháp không phân biệt. Không có chuyện chỗ này tôi thương quá tôi cho nước nhiều một chút. Chỗ này tôi ghét quá tôi không cho nước. Không. Giáo pháp của Phật như mưa rơi xuống. Có bài thơ dài có 2 câu:

“Mưa xuân nhẹ hạt đất tâm ướt
 Hạt đậu năm xưa hé miệng cười”.

Chúng ta có một hạt giống ở trong tâm. Nhưng nếu chúng ta để cho hạt giống đó trong đất tâm mình và mưa giáo pháp thấm xuống thì hạt giống đó bắt đầu hé nụ mỉm cười, nẩy mầm sanh cây. Đất tâm mình khô cằn nhưng nếu được mưa rơi xuống từ từ mỗi ngày một chút thì thế nào cũng phải thấm. Mình có hạt giống đó cho nên mình mới gọi là “Phật tử”. Chữ "Phật tử" có 2 nghĩa. Nghĩa thông thường là “con của Phật”, còn nghĩa sâu sắc là mình có “chủng tử”, có hạt giống để thành Phật. Phật tu Phật thành, mình tu mình cũng thành Phật. Ai cũng có hạt giống đó. Cho nên chư Tổ thường nói: 

“Như nhau dọc mũi ngang mày
Tâm phàm tâm thánh cả hai chẳng đồng”.

Tức là mình giống như Phật. Lỗ mũi Phật cũng dọc xuống, chân mày cũng ngang. Mình cũng y. Nhưng mà khác nhau ở chỗ tâm Phật là tâm thánh còn tâm mình là tâm phàm. Mặt mũi mình giống Phật, nếu mình chịu khó huân tu thì cũng sẽ được. 

Cho nên, quý vị nào chưa tụng kinh thì tập tụng kinh. Mỗi tối tụng 10 -15 phút thôi, hoặc là tập ngồi thiền, tụng chú Đại bi. Mới đầu mình tụng chưa thuần nhưng riết sẽ quen. Người xưa nói:
“Làm lính thì sợ đi ải
 Làm sãi thì sợ Lăng Nghiêm”


vì chú Lăng Nghiêm khó tụng lắm. 5 đệ chú Lăng Nghiêm rất khó tụng. Mà so với chú Lăng Nghiêm thì chú Đại bi dễ tụng lắm. 

"Mưa có thể cuốn trôi tất cả bất kể là sạch dơ về với biển cả. Người hành giả cũng phải dung trí tuệ để cuốn phiền não ra ngoài". Khi cái đầu của mình nó rần rần kêu là “phiền”, khi tâm mình bực bội kêu là “não”. Phiền não là nóng bức, khó chịu. Có nhiều khi chuyện rất đơn giản. Người ta ăn mặc mình cũng nói “chị coi nó ăn mặc kìa, giống cải lương không?”. Mà đâu có mắc mớ gì đến mình (cười). Rồi người ta dẫn bạn gái bạn trai đi chơi cái mình cũng khều “chị coi, xấu hoắc vậy mà cũng quen”. Không mắc mớ gì đến mình mà những cái đó đều gọi là phiền não hết. Cho nên đại chúng đừng nghĩ phiền não là khi nào người ta chọc mình giận gọi là phiền não thì chưa đủ. Cái gì mà tự mình khởi tâm bực bội với nó đều là phiền não hết. Nhiều khi mình đi vô chùa thọ bát quant rai, mình nằm ngủ không đúng cái gối của mình, đắp nhằm cái mền không phải của mình là cả đêm đó cứ lăn qua lộn lại phiền não “mền ai đắp hôi quá, gối không phải gối của tôi nằm không quen” (cười). Cái gì mà mình không hài lòng với nó thì là phiền não hết. Ăn thiếu mà cứ ngồi cằn nhằn hoài cũng là phiền não đó. Cho nên phiền não là khi cái đầu của mình với cái tâm của mình nó không đồng ý với nhau rồi cái miệng nó sẽ nói. Cái đó là phiền não. Cho nên người tu mình phải vận dụng trí tuệ giống như nước mưa. Thiện hay bất thiện, ai tốt hay là không tốt, tất cả chỉ là tạm thôi, đừng có quan tâm. Không quan tâm ở đây không có nghĩa là mình bỏ mặc người ta. Không phải. Cái gì mình làm xong rồi thì thôi. Đừng có để kiểu “hồi xưa tui làm chuyện đó, hồi đó tui giúp chuyện đó…” rồi nó cứ phiền mình hoài. Mình đâu có sống hoài mình giữ nó. 

"Mưa làm cho mát cây cối và địa cầu. Người tu ta phải làm cho mát tâm địa nóng nảy". Mưa làm cho mát mặt đất, làm cho cây cối được xanh. Người tu mình cũng làm sao cho tâm mình bớt nóng. Ngày xưa có một vị thầy nói với đệ tử: “Ngươi đi đến đống tro tàn mồi cho ta miếng lửa”. Người đệ tử đi tới nhìn vô đống tro rồi thưa với thầy “dạ thưa thầy đống tro tàn không còn lửa”. Người thầy đi tới lấy cây khều hết ra, ngầm dưới đống than đó có lửa. Lúc đó người thầy mới lấy đồ móc cái than, cái lửa đó lên và hỏi “đây là cái gì?” thì người đệ tử ngộ đạo. Cái đốm lửa mà Ngài muốn nói không phải là lửa bình thường mà mượn cái tướng để hiện cái tánh, cái lý mà Ngài muốn nói. Đi mồi lửa đây là gì? Ở trong lòng ngươi có Phật không? Hay nói cách khác là ở trong lòng ngươi còn sân không? Nhìn bề ngoài “dạ con hết sân rồi”. Ông thầy chưa chắc đúng không? Đụng vô mới biết. Cho nên khi chúng ta chưa chứng thánh chớ có tin tâm mình. 

Có ông quan làm quan rất thanh liêm không biết ăn hối lộ của ai hết. Lúc ông về hưu, người ta muốn tặng vật kỷ niệm cho ông nên người ta hỏi tuổi của ông để người ta tạc con đó bằng vàng để tặng. Người ta hỏi vợ ông là chẳng hay quan nhà mình tuổi gì? Bà vợ nói quan nhà tôi tuổi Tý. Người ta làm con chuột bằng vàng ròng tặng. Do thanh liêm nên khi về quê sống cũng khó khan lam lũ, mà thấy vợ có tiền mua đồ ăn mỗi ngày ông cũng thắc mắc với vợ vì sao vợ có tiền mua thức ăn mỗi ngày? Bà vợ nói “bây giờ ông hỏi thì tui nói thiệt nha. Tôi biết ông không có tham lam gì, nhưng mà người ta quý quá, người ta hỏi tuổi của ông để tặng quà, tôi buộc lòng nói ông tuổi Tý, người ta mới làm con chuột bằng vàng. Nhờ đó mà mỗi ngày tôi cắt một chút tôi bán mình mới có tiền mua thức ăn. Ổng nghe xong ổng đập bàn nói ‘tại sao bà không nói tôi tuổi Sửu?’ (cười) Con trâu thì ba lớn? Mình làm quan cả đời không tham nhưng tới lúc mình cần quá thì cái tham cũng phát sinh. Câu chuyện đó muốn nói với chúng ta rằng ngày nào mình còn là phàm phu chúng sanh thì ngày đó mình vẫn còn phiền não. Nhưng cái khác của chúng ta với người chưa tu là người ta để phiền não dẫn, còn mình thấy, nhận phiền não để làm ngưng phiền não, chứ chúng ta chưa hết. Chỉ cần như vậy là đỡ khổ rồi. 

Thí dụ như thói quen của người ta là thích cái gì cứ mua mà không cần coi giá, cũng chẳng lo gì. Nhưng mà mua về rồi thì tốn tiền mà cũng không chỗ để, không xài, bây giờ chỉ cần bớt mua vặt như vậy thôi, đỡ tốn tiền không? Đỡ tốn tiền. Ví dụ mình ghiền thuốc một ngày hút một gói, bây giờ tự nhiên mình nhận ra rằng hút thuốc không có lợi chứ chưa nói bỏ, chỉ cần bớt thôi là mình thấy mình dư tiền chưa? Dư rồi! Cho nên tu là mình tăng cái thiện, giảm cái xấu, mình tụng kinh là vậy đó. Mình tụng kinh như là những trận mưa giúp cho mình trôi hết những phiền não. Như những trận mưa làm cho mát địa cầu, làm cho cây cối xanh tốt. Mình tu cũng như vậy, phải vận dụng trí tuệ làm cho tâm địa nóng nảy của mình giảm đi. Ai mà không nóng? Tùy theo độ lửa thôi. Người mà nóng bộc lộ ra cho người ta thấy gọi là “sân”, còn người người ta giận mà người ta không nói ra, người ta ngầm ngầm trong lòng gọi là “hận”. Cũng giống như lửa phực và lửa ngầm vậy thôi. Còn có nhiều người người ta che giấu cái đó kỹ như lửa trong đống tro. Thấy nguội nguội vậy chứ khui ra mới biết trong đó còn. Cho nên những cái bất thiện của mình nó còn, cho nên mỗi ngày mình không được dễ vui. Mình mà dễ vui, mình mà lơ là thì bất thiện nó tới. 

"Mưa làm hạt mầm mọc lên cây tươi, hành giả phải tinh tấn phát khởi lòng tin để thành đạt được 3 điều: 
1.     Thành đạt về làm người
2.     Thành đạt về làm chư thiên 
3.     Thành đạt về hạnh phúc của Niết Bàn

Mưa có thể làm cho cây cối xanh tươi. Mình tu cũng vậy. Mình phải làm sao để cho thiện nghiệp của mình mỗi ngày mỗi sanh. Bây giờ Pháp Hòa nói ví dụ: quý vị đi chùa tụng kinh, nghe pháp. Tất cả chúng ta ai cũng biết là Tu thân, tu khẩu, tu ý, 3 nghiệp: Thân, Miệng, Ý. 
Thân thì có 3 điều: sát sanh, trộm cắp, tà dâm. 
Miệng có 4 điều: nói dối, chuyện có nói không, chuyện không nói có, nói lưỡi hai chiều (đâm bị thóc thọc bị gạo), nói lời thô ác là chửi rủa mắng xả người ta, nói lời vô ích tức là mình nói những lời không mang lợi ích tới cho người. Bốn điều về miệng. 
3 điều về tâm, về ý là tham, sân, si. 

Tu 3 nghiệp mà mỗi nghiệp nó có những chi tiết như vậy thì mình phải làm sao để thành đạt. Bây giờ không lẽ mình bỏ thân, miệng ý của mình đi đâu? Mỗi ngày mình vận dụng thân, miệng, ý của mình mà. Nhưng mà mình có tu là có khác. Cái thân của mình bây giờ không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh. Miệng của mình không đặt điều nói dối, không có chuyện có nói không, chuyện không nói có, không có đâm đầu này thọc đầu kia cho người ta gây gỗ, không giận dữ rủa xả người ta. Mình thấy rằng cái gì có lợi ích cho người thì mình nói, không thì thôi. 

Có nhiều khi mình tu lâu, học pháp rất nhiều nhưng thiện nghiệp không sanh. Cái đó là kinh Phật dạy. Cũng giống như người bệnh có thuốc mà vẫn không hết bệnh. Cũng giống như mình tu lâu, đi chùa nhiều, tụng kinh nhiều, nghe pháp nhiều mà thiện nghiệp của mình không sanh. Ngày nào cũng uống thuốc mà bệnh không hết. Có dạng bệnh đó không? Cho nên mình phải làm cho cây cối mình mọc lên ý nói là làm cho thiện nghiệp mình phát sinh. Nói là nói vậy chứ Phật tử ta mầm cây mà không sanh thì chúng ta đâu có ngồi đây bây giờ, sanh chứ, nhưng mà Phật nhắc chúng ta để chúng ta có cơ hội nhìn lại xem lâu nay chúng ta tu như thế nào. Cho nên vì sao chúng ta ngồi niệm Phật, ngồi thiền mà chúng ta không mở mắt to ra ra mà lại khép mắt và nhìn xuống? Bởi vì người tu là luôn luôn soi lại mình. Tất cả tượng Phật, tượng Bồ tát mắt đều nhìn xuống chứ không có mở trao tráo ra. Nhưng mà ai là người mở mắt trao tráo? Các ông thần. Quý vị để ý các ông thần ở ngoài cửa chùa tượng ông nào cũng trố mắt hung dữ. Trước khi vào đây các Ngài cảnh cáo mình trước. Phải mở con mắt cho sáng, cho tinh tường “anh đang đi đâu? Anh đang đi vô chùa thì anh phải ứng xử như trong chùa chứ không như trong chợ đời được. Nhưng mà khi vô trong này rồi anh phải biết nhìn lại mình nhiều hơn nhìn người khác”. Tất cả tượng Phật ngó xuống, soi tâm, trở về với chính mình. Cho nên khi ngồi thiền mình để bàn tay phải lên bàn tay trái. Ý nói người tu ta phải luôn luôn trọng lẽ phải, nhìn lỗi mình mà không nhìn lỗi của người. Mưa làm cho cây cối được duy trì cội rễ, hành giả phải y cứ vào phương pháp để sanh trí tuệ, hướng tâm cho đúng. Mưa rơi xuống làm rễ cây bám vào đất vững chãi. Mình cũng vậy, phải nương vào trí tuệ. 
Quý vị có nhớ Tứ Y không? 

"Y pháp bất y nhân
Y nghĩa bất y ngữ 
Y trí bất y thức 
Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa"

Mình phải y như pháp, mình phải lấy trí tuệ của mình mà hiểu chứ còn không thể y cái thức. Cái thức đó là những cái học thức, những sự phân biệt. Nhận thức phân biệt còn thay đổi chứ trí tuệ thì nhìn nhận sự việc đúng như vậy. Pháp Hòa ví dụ hôm nay mình ăn vị hơi mặn. Mình biết thôi. Người trí người ta biết mặn là mặn thôi. Còn mình “mặn quá, bữa hôm nấu ngon sao nay nấu dở vậy?”. Cái thức đó. Mình nhận biết nó mặn nhưng lại đem cái khác vô so sánh. Mà hễ có so sánh là có phiền não. Có so sánh là có không hài lòng, không hài lòng là phải nói, mà nói thì mình làm buồn người ta. Tại sao mình đâu phải là chưa bao giờ ăn món này? Mình ăn hàng trăm lần, hàng ngàn lần nhưng mà mỗi lần nó mỗi vị. Người trí là người ta ăn người ta nhận biết còn mình là sống với cái Thức. Cái Thức là phân biệt rồi so sánh rồi phiền não phát sinh. Còn trí là mình nhận như vậy. Ví dụ như mình thấy mưa thì biết mưa. Còn mình thì “mùa mưa lần này sình lầy hơn mưa lần trước, mùa mưa lần trước ít nước hơn mưa lần này” (cười). Mình ngồi mình so sánh “mùa mưa lần này bầy nhầy hơn mưa lần trước. Mùa mưa lần trước ướt át hơn mưa lần này”. Thành thử mình ngồi mình cứ so sánh hai mùa mưa. Mưa làm cho cái cội rễ nó sanh. Mình phải học Phật pháp để làm cho cây Bồ Đề của mình sanh rễ tốt tươi. 

“Chùa tôi có cội Bồ Đề
Bình an đứng vững chẳng hề lung lay”

Tâm mình cũng phải có cây Bồ Đề đó. Cây Bồ Đề của sự hiểu biết, sự giác ngộ. Mình biết tất cả mọi sự việc nó như vậy. Cho nên mình thấy mình tác ý đúng như vậy không có phi như lý tác ý. Đa số là mình thấy rồi mình sanh tâm, khởi ý so sánh phân biệt. Mình có cộng thêm ý kiến của mình vô đó. 

"Mưa làm cho khe, rãnh, sông, suối, mương, hồ đầy tràn ra. Hành giả phải tu làm sao để cho kinh pháp tràn đầy trong tâm". Mình tu cũng vậy, mình mà chịu khó học kinh học pháp nhiều thì tâm ý mình kinh pháp đầy tràn hết. Bất cứ lúc nào khổ lụy mình cũng có cách để hoán chuyển. Cho nên học kinh không có lỗ. Thuộc kinh không có lỗ. Thay vì mình thuộc nhạc, thuộc cải lương cũng không sao nhưng cái đó chỉ là giải trí thôi. “Anh ơi nếu mộng không thành thì sao?” cái đó mình hát để giải trí thôi. Mình đang vỡ mộng nên mình tìm bài nào nó phù hợp với mình. Nhưng mình học kinh, thuộc kinh để mình giải khổ. Hai cái đó nó khác. Có bao giờ mình nói “Nay buồn quá lên chánh điện tụng một thời kinh giải trí coi” (cười). Nghe được không? Đâu có nói như vậy! Nghe nhạc là giải trí, học kinh nghe pháp để giải khổ. Hai cái quả nó khác. Bởi vì Kinh là lời nhắc nhở mình tu: 

“Cho con biết khiêm hạ
Không nói lỗi của người
Chỉ lặng lẽ dùng lời
Cầu cho người hết lỗi
Xin con biết im lặng
Không nói lỗi của người
Dù bị mắng bằng lời 
Hay bằng điều ủy nhục”.

Mình thuộc mấy cái đó thì khi nào mình khổ thì mấy cái đó nó ra nó giúp. 

“Như mái nhà khéo lợp
Mưa không thể lọt vào. 
Cũng vậy, tâm khéo tu
Não phiền không hại đến”

 Nếu mà cái chùa này lợp tốt thì mặc dù bây giờ mình đang ngồi đây mà ngoài trời đang mưa thì trong này mình vẫn yên ổn. 

“Như mái nhà vụng lợp  
Mưa ắt sẽ lọt vào
Cũng vậy, tâm vụng tu
Não phiền thường khuấy nhiễu”

Mình mà vụng tu thì mình thấy cái gì nó cũng bực hết. Cho nên quý vị thuộc kinh là giải khổ. Còn mấy bản nhạc mình thuộc cũng tốt, không sao hết nhưng hãy nhớ là đó chỉ là giải trí cho vui thôi chứ không có giải khổ cho mình. Mà nhiều khi nó khổ vầy nè: mình khổ chỗ nào mình kiếm bài nhạc nó đúng ngay chỗ khổ của mình mà mình hát cho khổ tăng lên, có đúng không? Thường thường thất tình đâu có ai hát “Em ơi có bao nhiêu? 60 năm cuộc đời”. Đâu có ai buồn mà hát mấy bài vui đâu, hát toàn mấy bài tình sầu đứt ruột nghe cho thấm với tâm trạng của mình. Rồi đi kiếm mấy nhạc sĩ, ca sĩ mà người ta hát mấy bài đó rồi mình cuộn mình trong giường trùm mền nằm nghe mấy bài đau khổ đó (cười). Mình đang hưởng thú đau thương. Còn mình nghe pháp mình học kinh, khổ là biết nhưng không để khổ nó lôi mình. 

Trong kinh A Di Đà nói: “Quá mười muôn ức cõi Phật có một thế giới tên là Cực Lạc. Ở nơi đó có Đức Phật A Di Đà đang nói pháp”. Quá mười muôn ức cõi là gì? Nếu mình vượt qua được 10 cõi: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ, vượt được 10 cái đó là 10 muôn ức cõi đó, sẽ gặp được Phật A Di Đà, tới Cực Lạc. Trong kinh A Di Đà nói mình có Tứ biên giai đạo, 4 bề. Mình có 4 cách để niệm Phật:

Trì danh niệm Phật: miệng niệm danh hiệu Phật
Quán tưởng niệm Phật: nhắm mắt lại tưởng hình tượng đức Phật
Quán tướng niệm Phật: nhìn hình Phật mà niệm để tâm mình không xao lãng 
Nhất tâm niệm Phật, hay là thật tướng niệm Phật: đến khi nào tâm mình thuần thục. 
Xổ châu niệm Phật: lần chuỗi niệm Phật
Ngồi thiền thở vô A Di thở ra Đà Phật, thở vô A Di thở ra Đà Phật gọi là hơi thở niệm Phật. 
Thay vì mình ngồi mình thở khơi khơi thôi, thở không thôi, thì bây giờ mình để hơi hở vào A Di, thở ra Đà Phật. Mình ngồi tê chân quá đứng dậy bước một bước A Di, bước một bước Đà Phật gọi là kinh hành niệm Phật. Thiếu gì cách niệm Phật.

Cõi Cực Lạc bốn bề có những thành bao như vậy. Ý muốn nói mình muốn bảo vệ cái thành trì của mình ứng dụng 4 cách niệm Phật. Niệm đến khi nào tâm mình thuần thục cũng giống như mình phát triển tâm lành thiện căn của mình thì dưới đáy ao sen đó toàn là cát vàng chứ không có cái khác, không có bùn. Tại sao? Vì mỗi người mình là một cái ao hồ, mà nếu tâm mình thường phát triển thiện thì trong tâm mình toàn chứa toàn cát vàng. Mà trong cái hồ sen đó làm bằng 7 báu lại là cát vàng thì trong ao đó mọc lên hoa sen quý báu. “Thanh sắc thanh quang, huỳnh sắc huỳnh quang, xích sắc xích quang, bạch sắc bạch quang”. Sen xanh chiếu hào quang xanh, sen vàng chiếu hào quang vàng, sen đỏ chiếu hào quang đỏ, sen trắng chiếu hào quang trắng. Mình chánh báo như thế nào thì y báo nó sẽ như vậy. Khi tâm mình an tịnh thì tự nhiên mình toát ra lời nói, hành động, ý nghĩ an tịnh. Mình như thế nào thì nó tỏa ra ánh sáng đó. Chuyện đương nhiên thôi đâu có gì lạ. Cho nên cõi Cực Lạc là ngay đây. Trong kinh nói Cực Lạc có những cảnh như vậy, không ngoài với cuộc sống hàng ngày của mình đâu. Ai người ta cũng đi tìm thất bảo: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Thân của chúng ta là thân Thất đại. Trong con người thất đại này nếu mình ứng xử đúng thì nó là “bảo”. Và còn nói nữa mình có 7 thứ quý báu: biết nghe, có tàm, có quý, có tín, có tấn, có định, có tuệ. Mình mà có được những cái đó là mình có được thất bảo rồi. Cho nên đâu có xa đâu. 

Vậy thì hôm nay nhân trời mưa, Pháp Hòa nhớ trong kinh Phật có dạy một bài về mưa. Phật nói 5 năng lực của mưa:

1.     Mưa có thể làm trôi chảy tất cả những cái dơ. Hành giả phải có trí tuệ để làm trôi phiền não
2.     Mưa làm cho mát địa cầu và cây cối. Hành giả phải làm cho mát tâm địa nóng nảy
3.     Mưa làm cho hạt mầm mọc lên cây tươi. Hành giả phải làm cho tâm phát khởi lòng tin để thành tựu 3 việc: sống làm người cho tốt, sanh cõi trời và làm cho mình ngay đời này có hạnh phúc, có Niết Bàn
4.     Mưa duy trì làm cho rễ cây mọc tốt. Hành giả phải y cứ vào giáo pháp, phương pháp để sanh trí tuệ. Phương pháp sanh trí tuệ là gì? Đó là Văn, Tư, Tu
5.     Mưa sẽ làm cho khe suối, mương rãnh, sông, hồ tràn đầy. Hành giả phải làm sao cho kinh pháp tràn đầy trong tâm trí mình.
 
Bây giờ mình đã tràn đầy kinh pháp chưa? Mới lưng lưng hay tới mí? Không sao hết, cứ tiếp tục. Mình nghe một bài pháp đúng không? Không có nhớ đâu. Hôm nào nghe lại. Mỗi một lần nghe là một lần mình hiểu khác. Nó lạ vậy đó. Mỗi một lần mình đọc kinh lại có cái hiểu sâu sắc hơn. Cho nên thường quý thầy mà giảng kinh không phải quý thầy dở kinh ra quý thầy giảng đâu. Trước hết là quý thầy phải đọc bản kinh đó. Đọc một lần rồi trầm ngâm nghĩa lý trong kinh đó. Rồi sau đó khi quyết định giảng kinh đó cho Phật tử thì mới đem ra giảng. Trước khi ra giảng đọc lại một lần nữa. Mà nó lạ, lúc đầu đọc hiểu nghĩa như vậy đó. Khi tới giờ giảng ra đọc lại một lần nữa nghĩa lý lại càng khác, bây giờ mình lại hiểu sâu hơn nữa. Thời gian mình giảng bản kinh đó thì đời sống hàng ngày của mình là quyển kinh đó hết. Pháp Hòa nói như vậy là nói cách giảng kinh của Pháp Hòa. Khi Pháp Hòa đang nói bộ kinh nào là trong đời sống hàng ngày mình ứng dụng những lời kinh đó đích thực ngay trong cuộc sống của mình rồi mình mới có kinh nghiệm mình nói những cái gì nó rất gần gũi, rất thật với cuộc sống của chúng ta. Để bây giờ lời kinh không còn là cái gì bay bổng mà mình không thể với được mà lời kinh bây giờ thật gần với mình, không có xa. Cho nên tất cả hình ảnh của Phật, Bồ tát gần gũi với mình lắm. 
 
Bây giờ quý vị để ý ha, hễ người nào mà còn sống ở đời là chúng ta còn tóc. Còn tóc là chúng ta còn chải tóc, cắt tóc, nhuộm tóc, uốn tóc, bó tóc, bới tóc, kẹp tóc..mình còn tóc là mình còn phải làm, mình còn đi tiệc là mình còn phải trang điểm. Quý vị nhìn các vị Bồ tát coi. Quan âm cũng có tóc, Thế Chí cũng có tóc, Văn Thù, Phổ Hiền người nào cũng có tóc, mà người nào cũng thắt bính, cột, đeo khoen, đeo vàng vòng. Tại sao vậy? Bồ tát là những người gần gũi với mình và không xa chúng ta. Đừng nghĩ Bồ tát ngồi trên bàn thờ. Nhiều khi Bồ tát vòng vòng trong bếp, trong chùa, trong chợ, trong cuộc sống của mình. “bác, con sắp đi chùa nè bác có đi không con chở bác đi luôn”. Đó là Bồ tát đó. Nam mô Bồ tát cho quá giang. Mình ăn chay, mình nói “trời ơi hôm nay tôi ăn chay mà không có ai nấu hết”, bác kia nghe vậy nấu cho mình ăn. Nam mô Bồ tát cho ăn chay (cười). Mình đi chùa ông xã chở mình tới chùa, ổng chưa vô tới chùa, chỉ đậu ngoài cổng và chịu chờ mình lễ Phật. Nhiêu đó cũng được rồi. Nam mô Bồ tát thường chờ đợi. Nhưng mà ông chồng đợi mình ở ngoài xe nhưng ông chồng phải hiểu rằng chồng là Bồ tát chịu khó chờ vợ đi chùa ra đưa về, nhưng chồng đừng quên vợ mình cũng đang chờ mình bước vô tới cửa chùa để cùng lễ Phật với mình. Được như vậy thì mình mới đúng cái câu là: 

“Các vị Bồ tát bây giờ đứng trông
Rước con thật đã rất đông
Nội trong giây phút thảy đồng về Tây
Xem ra cõi Phật tốt thay
Hoa sen đua nở tánh nay sạch trần”
 
Bây giờ cõi đó đâu phải là xa xôi mà ngay trong cuộc sống của mình đây. Bồ tát là ông chồng đang chờ mình ngoài xe. Nhưng mà bây giờ ông chồng quán lại, nhìn lại để biết rằng vợ cũng đang chờ mình bước vào chùa để cùng lễ Phật. Mà nếu hai bông sen cùng đứng nữa thì sao? Hoa sen cõi Phật tốt thay. Hoa sen đua nở tánh nay sạch trần. 
 
“Hội này thấy Phật chân thân
Đặng nghe pháp nhiệm tâm thần sáng trưng
 
Tại vì nếu một người thích nghe, một người không thích nghe pháp cũng khổ rồi. Có nhiều người nghe pháp mà nghe tiếng chồng về là tắt tại vì ổng không thích nghe. Nhưng nếu mà hôm nào vợ chồng cùng đồng lòng nghe pháp có phải là “hội này thấy Phật chân thân, đặng nghe pháp nhiệm cho tâm thần mình sáng trưng”. Bây giờ hai vợ chồng cùng tu để làm gì? 
“Quyết tu độ chúng phàm dân (phàm dân là con cái trong nhà mình nè)
Đủ lời thệ nguyện Phật ân rộng dài
Phật thệ chắc thật không sai
Người nào niệm Phật lên ngay sen vàng “
 
Một khi mình niệm Phật thì tâm mình tịnh. Tâm tịnh và lúc nào mình cũng sống tốt, mà sống tốt là mình ở bông sen. Chứ đâu có phải đợi đến Cực Lạc rồi mình mới nở bông sen, nhiều khi nở không kịp rồi sao (cười). Cho nên những cái đó, kinh Phật nếu mà mình hiểu ra rồi thì mình thấy rõ ràng ngay trong trước mặt mình hết. Không có gì xa hết. 
“Tây phương không xa cách 
Tây phương trước mặt người
Ngàn sông về biển lớn
Trăng lặn không lìa trời 
Âm dương không cách trở
Sanh tử vẫn tương dung
Niệm Phật cầu siêu độ
Lắng nghe xin một lòng“
Dù trăng có lặn nhưng đâu có lìa trời. Dù mình thấy người đó chết nhưng thật sự không có chết. Mình thấy Phật bây giờ xa mình rồi nhưng Phật đâu có xa. Nếu mình còn hành lời phật , còn sống theo Phật thì Phật đâu có xa mình.
 
Thôi mình dừng ở đây. A Di Đà Phật. Con xin cảm ơn ni sư trụ trì đã tạo duyên cho chúng con tối hôm nay được gặp nhau một lần nữa để chia sẻ Phật pháp. Kính thưa đại chúng trong khi chúng ta đang sinh hoạt Phật pháp thì ngoài trời cũng đang mưa. Hồi chiều này nhân thấy mưa, mà tối nay lại không biết nói chủ đề gì cho đại chúng. Đi tới đi lui thì lại nhớ ở trong kinh Phật có nói một bài kinh về mưa cho nên ngồi ghi lại mấy điểm để chiều nay chia sẻ với đại chúng một bài pháp nói về giáo pháp của Phật như mưa. Nếu những cơn mưa làm đường điều đó thì hành giả chúng ta cũng làm được như mưa. Và đặc biệt tâm của mình như một mảnh đất, cứ để cho giáo pháp mỗi ngày tưới ẩm hạt giống cũng như mảnh đất tâm của mình thì chừng đó tâm mình sẽ mềm ra. Mình sống với người xấu lâu ngày thì mình nhiễm cái xấu. Mình gần cái thiện lành mỗi ngày thì mình cũng thiện lành. Cho nên mình mới dung từ là “mưa dầm thấm lâu”. Chúc cho đại chúng mỗi ngày cũng làm sao cho đất tâm của mình thấm giáo pháp của Phật. Nam mô A Di Đà Phật

(Ghi chép lại bài giảng của thầy Pháp Hòa trên kênh Youtube Pháp Thoại Thích Pháp Hòa
Tiêu đề: Lợi ích của việc tụng kinh mỗi ngày)

Bài mới

HƯƠNG ĐỨC HẠNH KHÔNG NGỪNG BAY XA
Cho tới hôm nay, “hạnh đầu đà” không còn là cụm từ xa lạ. Nhắc đến nó ta sẽ nghĩ n...
NHỮNG LỜI CHIA SẺ CỦA THẦY MINH TUỆ
NHỮNG LỜI CHIA SẺ CỦA THẦY MINH TUỆ, Sáu năm qua con không là nhân sự ở chùa nào. ...
Hiện tượng hành giả Minh Tuệ
Hiện nay Phật giáo tại VN được chia ra một số tông phái chính, nhưng cơ bản là tru...
Tỏa ánh lưu ly 1 - giảng Kinh Dược Sư - Thầy Thích Pháp Hòa
Đức Phật Dược Sư ở phương Đông còn Phật A Di Đà ở phương Tây. Trong 4 hướng, hướng...
Biên kiến là gì? Bài Kinh Phật dạy về chấm dứt sự TRANH CÃI - Thích Pháp Hòa
Bài kinh này là bài kinh nói về gốc rễ của độc tài, của bạo động là do chúng ta nh...
Lợi ích Sám hối. Tụng sám hối hồi hướng cho cha mẹ như thế nào? Sự khác nhau giữa các phá...
Pháp Hòa hay ví dụ sám hối như chúng ta ăn cơm mà có một chén canh. Không cần biết...
Chân thường, chân lạc, ngân ngã, chân tịnh - Thích Pháp Hòa
Có nghĩa là chuyện thay đổi trên đầu, tóc, da nhăn là chân thường. Và còn cái chân...
Niết bàn là thế nào? - Thích Pháp Hòa
Khi chúng ta diệt được cái sanh tử, độ được cái phiền não là Niết bàn. Niết bàn kh...
Kinh nghiệm chữa bệnh trào ngược dạ dày thực quản của cựu diễn viên Tăng Thanh Hà - Tăng ...
Tôi đã trãi qua một cuộc hành trình điều trị bệnh dạ dày khá gian nan. Tôi bị trào...
Hiểu về Bát quan trai giới - Thích Tuệ Sỹ
TU GIỚI Phật pháp như thuốc hay, nhưng tùy theo căn bịnh. Có điều, không phải như ...

Are you sure?