Thường thường người Phật tử ai cũng đều biết 2 chữ “phước đức” hay là “làm phước”. Ba chữ chúng ta thường nghe nhắc là: Phước đức, công đức và hồi hướng. Hôm nay Pháp Hòa xin chia sẻ với đại chúng về 3 từ này để khi chúng ta là những Phật tử thuần thành, chúng ta về chùa làm công quả tạo phước hay làm bất cứ việc gì lành, thiện thì đều gọi là làm phước, thì mình hiểu cho rõ thế nào là làm phước, phước đức, công đức, và hồi hướng như thế nào?
Thường thường khi một ai có điều may mắn, tốt lành đến với họ thì người ta thường nói đó là người có phước. Ví dụ mình may mắn làm việc tốt, có công ăn việc làm tốt thì mình nói là mình có phước. Hay là mình có con, con biết nghe lời gọi là có phước. Hay là mai mốt mình già, con cái biết chăm sóc mình gọi là có phước.
Vậy thì phước là gì? Có 2 định nghĩa: Một là tất cả những việc lành làm lợi cho người gọi là phước. Hay là những việc lành mà chúng ta làm và hưởng được sự an lạc thì gọi là phước. Vậy thì tất cả chúng ta bố thí, làm lành, làm tất cả những công việc lợi cho người gọi là làm phước. Nhưng mà cái phước đó thông thường thêm chữ “đức”. Vậy “đức” nghĩa là gì? “Đức” là sự ẩn tàng bên trong từ phẩm hạnh của mình. Hay nói một cách thông thường theo người Việt là “cái tánh nết”.
Mình làm phước mà không có cái hạnh, cái tư cách, cái thái độ khi làm phước thì phước cũng có đó nhưng mà đức không có. Người nếu biết làm phước thì chẳng những có phước mà còn có đức nữa. Mình làm phước cũng giống như trồng những cái cây và chúng ta biết vun bón cái gốc. Có những người làm phước thì không làm mà chờ trái rụng. Tức là không chịu trồng cây nhưng thích có quả để ăn. Quý vị có thấy những người như vậy không? Làm thì không chịu làm mà thích hưởng? Cái đó thì thuộc dạng làm biếng rồi.
Có những người làm xong muốn hưởng liền, không chịu chờ đến chín cây. Trái cây mình trồng mình muốn ăn liền cũng được nhưng quả không ngon. Nhưng nếu mình làm mà cứ tưới nó đi, cứ chăm sóc nó đi thì khi trái rụng rồi gọi là trái chín cây. Mà trái chin cây thường ngon ngọt hơn trái phải vú ép. Có nhiều người đem vô thùng gạo, chưa đủ, vú thêm với khí đá (cười), lấy khí đá làm cho lẹ. Ăn thì cũng được nhưng mà không ngon, nó có mùi hôi khí đá.
Khi chúng làm phước là chúng ta đang trồng, đang gieo và chúng ta đừng yêu cầu người đó, sự việc đó phải đến với mình. Mình cứ việc trồng, bón. Mình trồng là mình làm rồi, còn mình vun bón là gì? Là ở thái độ mình biết chăm sóc cái phước đức của mình. Ví dụ mua hoa về cắm thì ai cắm không được? nhưng mình phải bón hoa một chút, tức là chỉnh bông thấp bông cao tạo kiểu, thêm nơ cho đẹp… khi mình chăm sóc bình hoa như vậy gọi là “bón”. Khi mình “bón” tức là mình để thái độ, tâm tư của mình vào việc làm của mình. Cắm hoa như làm phước. Mỗi ngày chăm bón, tưới nước, chăm sóc để mỗi ngày cây lớn lên, ra hoa, ra quả, cho trái ngon.
Khi chúng ta làm phước, chúng ta đừng nghĩ rằng mình có tiền là làm sao cũng được. Không phải đâu! Trong luận Đại trượng phu có một chương gọi là “tư cách người bố thí”. Mình bố thí cũng phải có tư cách. Tức là thái độ của mình. Mình đừng có nghĩ rằng người kia là người đến xin mình. Thật ra, nghĩ cho kỹ mình là người đang xin người kia. Xin cái gì? Xin cơ hội được làm phước.
Ví dụ con còn nhỏ ở nhà với mình, nhiều khi bực mình nói: “tui phải hầu mấy đứa nó”. Nhưng thực sự không phải đâu, “được hầu” đó (cười). Tại sao vậy? vì mai mốt nó lớn muốn hầu nó cũng đâu có cho. Cho nên khi con còn nhỏ trong nhà, còn sống với mình, còn vui với mình, mình còn cơ hội nấu cho nó ăn thì vui đi. Đó là trong thời gian giữa mình với nó đang gieo phước với nhau. Ví dụ mình nấu ăn cho nó với cái tâm giận dữ thì nó không đủ phước hưởng của mình mà mình cũng không đủ phước để nấu cho nó nữa. Tại sao vậy? vì trong khi nấu cái đức của mình mất tiêu rồi. Vừa nấu mà vừa chửi thì cái đức không có. Cái phước thì có thể có làm đó mà cái đức thì thiếu. Bây giờ muốn đầy đủ nè: nấu cho con bằng cả trái tim của mình, thì con ăn ngon hơn. Má nấu đâu có ngon đâu nhưng tại sao nó không ra tiệm ăn? Nó nói má nấu ngon hơn. Tại sao vậy? Vì thứ nhất nó ăn quen cái đó của má nấu rồi. Thứ hai là mình nấu bằng tình thương.
Ví dụ Phật tử đến chùa, thật sự mà nói đâu có ai đói khát gì để đến chùa kiếm dĩa cơm chay đâu? Nhưng mà quan niệm của người mình “trước lên chùa lễ Phật, sau dùng một miếng lộc”. Vậy thì người Phật tử đó họ cũng đang đi tìm cái lộc, cái phước ở trong chùa và chùa được cơ hội dâng hiến cho người ta cái lộc cái phước đó thì tại sao chúng ta không vui? Khi chúng ta chỉ cần làm vô tướng như vậy thì cái đức của mình bàng bạc ở trong đó. Cái phước, cái đức, nó không có nặng nề như mình nghĩ, nó nhẹ nhàng lắm. Chỉ cần việc làm của mình bằng tâm hoan hỷ và thái độ của mình. Người nào đến xin mình thì nghĩ “thích quá, tôi có cơ hội để làm phước”. Ở cái xứ này đâu có ai cần chi chút xíu đó đâu nhưng mà tại sao người ta đến với mình? Có phải là cái đức của mình?“hải đức” mà. “Hải đức” là đức như biển, nó đủ nó chiêu cảm mọi người đến. Chứ đến chùa này cũng khổ lắm: đến thì ngồi đất, ăn thì ăn chay, tụng kinh cũng lâu v.v… Nếu mà nói người ta ham vui thì thiếu gì chỗ để người ta vui mà sao người ta không đến mà lại đến đây? Mình có cái gì đó người ta mới đến. Mình có cái phước, cái đức mới chiêu cảm được người ta. Và người ta đến đây để mình có cơ hội dâng phước đức đó cho họ. Cho nên mình với người đều gieo duyên ở trong đó.
“Đức” còn có nghĩa thứ hai là những bản tính chân thật có sẵn ở nơi mình. Hay nói cách khác là cái lành, cái thiện có sẵn ở nơi mình mà người ta gọi là “đức bổn”. “Bổn” là cái gốc. Cái gốc đó sẵn ở nơi mình rồi. Ví dụ trong lòng mình ai cũng có sẵn tình thương, thấy người ta khổ là khởi niệm thương. Thấy thương rồi bước thứ hai là muốn giúp. Vậy thì cái đức có sẵn trong mình chưa? Có rồi! Nhưng mà bây giờ nó mượn cái gì để lộ cái đức đó? Mượn cái phước. Phước là việc làm người ta thấy được, đức thì ẩn ở bên trong. Tình thương đã có, bây giờ nhờ người đó đến xin, lộ cái đức ra liền. Lộ cái đức ra là dâng bằng cái tâm của mình. Dù người đó có nghèo thế nào, người ta đến mình đưa cho người ta ly nước bằng cả cái sự nhẹ nhàng, thân thiện của mình thì ly nước đó rất là ngon ngọt. Chỉ một hành động đưa ly nước mà lộ cái đức ra liền. Lộ cái đức là lộ tình thương, cái thiện có sẵn trong mình. Cho người ly nước là phước, thái độ cho là đức. Ngay cả cha mẹ khi làm việc gì cho con cũng vậy, hay ngược lại, con làm việc gì cho cha mẹ. Thường thường thì “cha mẹ thương con biển hồ lai láng. Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Có nhiều bậc cha mẹ chưa có thương con. Hoặc có thương thì cũng tùy trường hợp. Ví dụ như nó đến cung phụng cho mình thì mình thương, còn nó bắt mình làm cái gì đó thì mình nhằn mình nói “nuôi cho nó tới lớn rồi tới bây giờ nó đày đọa mình” v.v… ví dụ như vậy. Không phải đâu! Thật ra giữa mình với con cái hay là giữa mình với người dưng nước lả đều có tương quan hết.
Nhiều lúc Pháp Hòa cũng mệt mỏi vừa công việc chùa, vừa mấy chú, Pháp Hòa cũng than với thầy viện chủ: “trời ơi mệt quá mà mấy chú ở đâu cứ vô hoài. Thôi bây giờ con không có muốn nhận nữa”. Thầy mới nói: “con nói vậy cũng đâu có được, thầy đệ tử cũng đông mà rốt cuộc cũng rụng hết còn có mình con à. Một mình con mà con ra một bầy. Nói theo kiểu Việt Nam là “cây một trái mà hái một thúng”. Kiếp trước chắc con cũng có cái nguyện gì đây? Con có cái nguyện độ mấy chú thì thôi giờ con ráng con làm đi. Mấy đứa nhỏ nó tu được bao nhiêu nó tu”. Tại sao vậy? Tại vì bây giờ có những đứa mình năn nỉ nó vô chùa nó cũng không vô nữa tại sao mấy đứa này vô trong chùa? Ở nhà nó mỗi đứa một phòng, không ở. Vô trong chùa 6 ông một phòng. Mỗi người chỉ có một cái giường với một hộc tủ để quần áo thôi, mà chịu được cuộc sống như vậy. Rồi gì nữa? ăn chay, cạo đầu. Thành thử ra mấy chú đến với mình là cơ hội cho mình làm phước.
Trong 4 ơn mà đạo Phật thường nhắc: ơn đất nước, ơn bạn bè, ơn chúng sanh, ơn cha mẹ thì trong đó mình phải thêm một cái nữa là “ơn đệ tử”. Vì nếu không có đệ tử mình làm thầy với ai? Nhờ đệ tử mình mới được lên làm thầy. Con cái đến với mình, mình mới được thăng chức làm cha, làm mẹ.
Nghĩ thế gian đôi lúc cũng buồn phiền, cũng nói nghiệp, nói này nói kia nhưng thật sự ra khi mình nhìn với cặp mắt “Phật nhãn”. Theo Phật có 5 cách nhìn: "nhục nhãn" (nhìn bằng con mắt bình thường: con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo). Bây giờ mình tu rồi, mình tăng độ con mắt mình lên một chút nữa là “thiên nhãn”. Có những người có vợ, có chồng, có con nhưng họ không được sum họp một nhà. Gia đình mình đầy đủ một nhà, đó có phải là thiên đường không? Tại sao mình không nhìn đời bằng thiên nhãn đó? Rồi tất cả con cái vợ chồng biết hướng về con đường đạo đức hết có phải là hạnh phúc hơn cõi trời một chút không? Không phải hưởng không đâu. Ví dụ giờ gia đình có vợ chồng con cái, bên nội bên ngoại đầy đủ, cuối tuần nào cũng nấu phở, đi party là hưởng cảnh thiên đường chứ gì? Nhưng mà thiên đường thứ 7, Cực lạc Chủ nhật, là đi chùa đó. Thiên nhãn rồi, bây giờ tăng lên một chút nhìn gia đình bằng “pháp nhãn”. Rồi vợ chồng con cái đồng tu Phật đạo rồi đến một ngày nào đó ai cũng hiểu hết trơn. Sống trong đời mình có duyên làm cha, làm con, làm vợ, làm chồng. Mình nguyện nha. Mình làm vợ chồng cho trọn vẹn kiếp này, mình làm con cái cho trọn vẹn kiếp này đi, nhưng mà mình có tu. Kiếp sau mình gặp nhau, không gặp bằng cái dục nhiễm bình thường của bước đầu nữa mà gặp nhau trong “tinh thần pháp lữ” “liên hoa vi phụ mẫu”. Đời này cha mẹ cũng do dục nhiễm, con cũng do dục nhiễm mà có mặt ở đây. Đó là nhục nhãn, là thế gian. Nhưng mình từng lên thiên đường, từng thăm viếng Cực Lạc. Cho nên nguyện đi, nguyện như thế nào?
“Kiếp sau xin được làm người
Sanh ra gặp Phật sống đời chân tu“
Còn nếu cõi này mà không thích nữa thì về Cực Lạc “Bồ Tát bất thối vi bạn lữ”. Kiếp sau con là Bồ Tát bất thối của ba nha! Ba là Bồ tát bất thối của mẹ. Bất thối là sao? Là hổng có ly dị đó (cười). Còn đời này vui thì phối hợp, buồn thì thối liền. Thành thử ra cũng còn sự trả vay, đem tiền dâng hiến cho luật sư (cười). Đời này nguyện như vậy! pháp nhãn. Từ nhục nhãn, thiên nhãn là hưởng cuộc sống ấm êm, ăn hưởng theo kiểu đời. Nhưng có tu là pháp nhãn. Tu sâu chút nữa là “huệ nhãn”. Đồng hướng tâm đến cõi Phật, nguyện cho rốt ráo, nương nhau mà tu đến chỗ rốt ráo gọi là Phật nhãn.
Như vậy thì cũng con mắt này, ai cấm mình nhìn đời bằng 4 thứ nhãn kia đâu? Nếu như trường hợp mình nhìn theo nhục nhãn của mình, có thể chúng ta bị lừa bởi những câu nói tối thượng thừa. Ví dụ như là “mình tu rồi mình phải vượt thoát những trần lao, sống trong cõi đời mà không ô nhiễm” v.v… Mình nói những câu nói đó, xong mình nhìn lại mình thấy đời sống sao chật vật, khổ quá. Mình học pháp tối thượng để đưa tâm mình hướng thượng mà rốt cuộc lấy pháp tối thượng nhìn vô cuộc đời mà mình đang sống đây rồi mình gò mình trong đó, có phải là khổ không? Tức là học cái cao nhìn xuống cái thấp phải thương cái thấp, nâng đỡ cái thấp chứ đừng có bi lụy với cái thấp mà mình đang ở. Ví dụ như Pháp Hòa nhìn: “sao ông thầy bạn của mình ổng sướng quá, ổng có đệ tử đông, cái gì cũng hơn mình”. Cái mình nhìn lại mình thấy “đệ tử của mình là oan gia với mình không à. Lớn sao không lớn lẹ lẹ đi, lút chút lút chút sao tôi cực quá. Chắc thêm 10, 20 năm nữa đời tôi mới khỏe (cười)”. Thành ra mình nhìn như vậy mình sống không có vui. Như vậy là mình chưa có đủ phước đức. Cái phước của mình bao nhiêu thì mình biết hưởng bao nhiêu thì gọi là phước đức. Đức là cái biết, cái tuệ để biết hưởng.
Ví dụ lên chùa Hải Đức này chỉ có nước lạnh thôi mà không chịu thưởng thức thì mình khổ chứ sao? Vì không uống nước lạnh thì không có gì để uống hết trơn. Mình nói ví dụ vậy. Đây là phước nè (chỉ vào ly nước) nhưng có biết hưởng hay không lại là một chuyện. Giống như mình đã qua được nước ngoài, sống ở xứ tự do rồi, vật chất đầy đủ rồi, không có gì khổ sở bao nhiêu hết nhưng mình không biết hưởng. Có nhiều đứa con sống trong gia đình ba mẹ lo lắng hết sức mà không chịu ở, vậy thì đâu phải ai có phước cũng biết hưởng đâu. Mình là Phật tử phải tập lắng lòng mình xuống , biết nhìn cho sâu sắc trong mỗi hoàn cảnh của gia đình mình, rồi lâu lâu nếu muốn có thể quán chiếu hoàn cảnh của người khác. Để làm gì? Để chúng ta an hưởng cái phước mà chúng ta đang có. Chứ không mình lại nghĩ: “sao tôi vô phước quá, tôi ở trong một gia đình như thế này thế kia..”. Trời ơi, mình có vợ, có con biết nghe lời, biết chăm sóc, còn muốn gì nữa đây? Còn được yên tâm để tu còn muốn gì nữa? Một đứa con trong nhà mà nó quậy mình có yên để tu không? Không có yên để tu đâu!
Cái phước là mình đã có rồi đó. Ít hay nhiều thôi. Ví dụ như cái phước chung là chúng ta được sống ở đất nước này. Nhưng tùy theo nghiệp mỗi cá nhân mà có biết hưởng phước hay không nữa? Để rồi tạo thêm. Cho nên mình đang có phước nè, cái cây mình nó đang sai trái, có nghĩa là mình đang hưởng, nhưng đừng có nghĩ rằng nó sẽ sống nếu mình không vun bón, tưới cây, chăm sóc…Một ngày nào đó nó sẽ hư và không có trái nữa. Có thể chúng ta thấy nó có trái trong một mùa, hai mùa, nhưng nếu chúng ta không vun trồng thì cái phước đó không có tiếp tục được nữa. Vậy cho nên, người Phật tử đến chùa tu tập là phước và thái độ mình đem sự tu tập của mình ra ứng xử trong đời sống hàng ngày là đức.
Có phước có được đôi bàn tay lành lặn và thái độ dùng đôi tay này để làm gì đối với tha nhân là đức. Phước đức chúng ta có được đôi tay thì chúng ta phải biết làm gì để cái phước đức đó được tăng trưởng. Có bài kệ rửa tay:
“Múc nước để rửa tay
Xin chúc cho mọi người
Có đôi bàn tay khéo
Gìn giữ trái đất này”
Trái đất này được gìn giữ như thế nào là cũng tùy ở đôi bàn tay của mình. “Trái đất” ở đây không có nghĩa là nguyên cả một trái đất nó còn có nghĩa gia đình mình cũng là một trái đất, bản thân mình cũng là một trái đất. Vì trong mình cũng có đất, có nước, có lửa, có gió. Mình là một lãnh thổ, thân tâm mình là một quốc gia. Chúng ta biết dùng đôi tay của mình để an ủi, xoa dịu, vỗ về, chăm sóc . Mình giữ được thân tâm mình thì chắc chắn mình giữ được thân tâm gia đình, những người thân của mình và xa hơn là xã hội. Ngôi chùa của mình cũng là một quả đất và cần chăm sóc. Và mỗi người đến đây góp đôi tay của mình vào mà vun bón. Cái chùa hình thành là cái cây đã có trái rồi đó nhưng ai cũng nghĩ nó hình thành rồi bỏ phế nó thì cây này không có quả lâu. Cho nên mỗi người đến đây góp lon nước của mình để cho cái cây này ngày một tươi tốt. Được như vậy thì ta gọi là phước đức trọn vẹn. Chứ còn có phước mà không vun trồng thì làm sao mà gọi là trọn vẹn cái phước được? Cho nên khi chúng ta làm phước mà muốn sâu sắc hơn, có cái đức nữa thì chúng ta phải có tánh nết, thái độ khi làm phước.
Ví dụ mình mang cơm cho người ta dùng. Mình mang thức ăn ra thì mình phải chăm sóc cái dĩa đó coi cho nó được chứ không phải “người này đến đây thường thường hay đến trễ lắm, cứ lựa giờ ăn đến không à. Kệ nó, có cái gì bỏ vào cái nấy”, rồi nhìn dĩa cơm không có ra hồn và chúng ta mang tới chúng ta để như vậy thì cái đức mình nó tổn giảm thôi. Vì cái đức nó biểu hiện từ cái tâm tánh của con người mình. Thành ra cơ hội mình làm phước nhiều lắm nhưng coi chừng cái phước đó bị tổn giảm, sứt mẻ.
Giống như một cái chén bị mẻ, bỏ thì phí mà để thì mất giá trị, dọn cơm lên nhìn không giống ai hết, thiệt khó xử hết sức. Quý vị có từng ở trong tâm trạng khó xử với một cái chén chưa? Cái chén là một thứ vật chất mà đôi khi chúng ta nằm ở thế khó xử hà huống chi chúng ta sống giữa người với người đầy đủ sự phức tạp tình cảm, nghĩa ân đủ thứ hết. Chỉ một cái chén thôi mà ta có thể nhìn đời như vậy. Mới tức thì đây là “nhục nhãn”, nhìn sâu một chút, à thì ra cái chén mẻ cũng là một bài pháp. Thiên nhãn, pháp nhãn, tuệ nhãn, thấu được nó thì Phật nhãn không có xa. Cho nên coi chừng, ở đời, dễ mà khó, khó mà dễ. Chúng ta dễ dàng có tên trong cuốn địa chỉ của một người bạn, nhưng chưa chắc người ta gọi mình trong suốt cuộc đời của người ta. Chính bản thân mình cũng vậy thôi. Ai cũng xin địa chỉ số phone hết á, nhưng có thời giờ đâu mà gọi, mà cũng có chuyện gì đâu để gọi? Ở đời, chúng ta rất dễ có tên trong cuốn sổ địa chỉ của những người bạn nhưng rất khó có vị trí trong trái tim của người khác. Căn cứ vào đâu để ta có tên trong trái tim của người khác? Căn cứ vào cái đức, thái độ của mình.
Muốn làm phước thì phải có của mới làm phước được. Mình muốn bố thí mà không có tiền thì sao bố thí? Ví dụ mình thấy ai mà lo làm ăn thì đừng có trách người ta. “Sao anh lo làm ăn không lo tu hành gì hết trơn?” Nói vậy cũng tội lắm. Trách là trách vầy nè, hoặc khuyên thôi “lo làm ăn thì cũng lo làm nhưng có dư cũng nên bố thí giúp đỡ người khác một chút”. Vì có tiền mới bố thí được. Mà có bố thí thì mới có phước có giàu được. Giàu để làm phước, mà muốn làm phước phải giàu. Có làm phước mới có giàu, mà có giàu thì phải làm phước nữa chứ nếu không là hết đó.
Mình có thể có cơ hội làm phước rất nhiều trong một ngày nhưng mình không có quan tâm. Cũng tốt, nhưng mà Pháp Hòa chỉ nhắc là chúng ta phải làm sao để cái phước đó nó được nằm bên cạnh chữ đức, gọi là phước đức, thì chừng đó con người mình nhìn cũng khác hơn. Ví dụ nhiều người họ làm phước mà tâm tư làm phước của họ không thoải mái. Nhìn người đó cũng hơi khô khô, hơi nóng nóng, khi gần họ mình cũng thấy sao sao đó. Có phải vậy không? Nhưng có nhiều người làm phước nhưng có tư cách, có hạnh lành phát xuất ra thì khi mình gần mình cũng cảm thấy có gì đó lợi lạc. Từ khi mình có cái đức rồi, mặc dù mình không cho người ta cái gì, nhưng ngồi gần thôi người ta cũng thấy ấm lòng mát dạ. Trong cái vô tướng đó, mình không cho người ta được cái phước bằng hình tướng nhưng cho người ta được cái phước lân mẫn với mình. Ví dụ như trong chùa, bác Minh Kính mỗi ngày đến đây hút bụi, làm hương đăng, thỉnh đại hồng chung, thắp nhang trong chùa, mặc dù không có tụng kinh nhưng bác có niệm Phật, thỉnh chuông thì trên hình tướng thì bác làm bác có phước, nhưng mà đố quý vị mình có phước không? Có phước chứ! Mình vô đây ngồi mình thấy thoải mái, thấy chùa ấm cúng, sạch sẽ, mình lây cái phước của bác. Mình có phước được ngồi đây và bác cũng có phước để làm. Vậy thì ngôi chùa còn đây là cơ hội cho mình tiếp tục làm phước và vun trồng. Chữ phước đức nó bàng bạc trong đời sống hàng ngày của mình. Nó nhiều lắm và nếu chúng ta nhìn sâu sẽ thấy rất rõ.
Thiện căn nếu nó đã sẵn có rồi thì khi ta thấy người khác khổ thì lập tức chúng ta làm. Đôi khi chúng ta đâu có nghĩ chúng ta làm phước đâu, nhưng thật sự ra đó là một loại hình làm phước. Bởi vì chính cái chúng ta không nghĩ cái đó mới là cao tột. Chính cái chúng ta không nghĩ nên chúng ta đi xa hơn nữa gọi là “công đức”. Hồi nãy là phước đức. Chính vì chúng ta không nghĩ là chúng ta làm ơn gì cho ai hết thì công đức tăng trưởng.
Chữ “công” là gì? Chữ “công” nghĩa là công năng. Công năng này làm tăng trưởng phước lợi cho mình. Khi chúng ta hết sạch những điều xấu gọi là “công”, điều thiện tràn đầy gọi là “đức”. Mỗi ngày chúng ta làm phước là chúng ta tẩy trừ tâm xấu là tâm bỏn sẻn, ích kỷ. Khi chúng ta đẩy ra được rồi thì là “công”. Thương người đầy đủ thì là “đức”. Từ cái phước đức chúng ta sang cái công đức một cách nhẹ nhàng.
Công đức này căn cứ vào sự tu tập, sự chuyển hóa của mình. Ví dụ mình có tánh hay ganh tỵ. Nếu tâm ganh tỵ trong mình nhiều thì mình làm phước cũng được vậy, nhưng mà không đủ đức. Làm phước cũng có mà ganh cũng có. Thấy người ta bố thí 5 đồng mình cho 10 đồng, mà không phải cho vì tình thương mà cho vì cái tâm ganh tỵ. Vậy thì ngay cái phước đó, bố thí là giúp cho mình trừ khử đi tâm bỏn sẻn, ích kỷ, nhưng bù lại mình ganh với người cho chung với mình. Nên mình phải cẩn thận chỗ đó.
Thì bây giờ mình cho 5 đồng, mình làm phước một bậc rồi, người kia cho 10 đồng và không ganh với người. Vừa trừ được tâm bỏn sẻn, hoan hỷ với người cho 10 đồng, trừ được tâm ganh tỵ. Chỉ một việc làm mà đẩy lui được 2 tâm xấu: tâm ích kỷ và tâm tỵ hiềm, là đầy đủ cái công. Cái gì sanh? Cái tùy hỷ - vui theo việc lành của người khác – sanh là thiện nó sanh liền. Mà thiện sanh liền là đức. Vận công đẩy trừ những cái xấu khi nãy ra là công, chứa vào những điều tốt đẹp là đức. Ví dụ đổ một chút nước, một chút bột giặt vào lu, dụng công quậy, chà những cái dơ bên trong lu rồi trút nó ra ngoài và chứa đầy một lu nước sạch. Công đức! Trong chùa có thùng công đức đúng không? Vận công nhét vô vì nó nhỏ quá (cười), vận công nhét nó vô và làm cho nó đầy lên là đức (cười).
Muốn công đức trọn vẹn chúng ta phải có “cái hạnh” nữa. Người mình hay nói là “công hạnh”. Có nhiều khi mình làm việc cho cộng đồng, cho chùa chiền, xã hội, công dữ lắm, là vì sao? Mình đem hết công phu của mình vào để thành tựu một việc gì đó thì mình có công sức trong đó rất nhiều nhưng mà cái hạnh của mình nó thiếu. Tại sao? Tại vì mình nghĩ là cái công của mình nhiều nên mình coi ai cũng thấp hơn mình hết, coi mấy người khác vô đây là không có ra gì, vô dụng v.v..và mình là người duy nhất có khả năng làm việc này. Cho nên đôi khi cái sự nóng nảy, ngạo mạn của mình làm cho mình lu mờ cái “công” bởi vì cái “hạnh” không có. Có nhiều vị đến than, Pháp Hòa nói: “chú đó, công thì có nhưng hạnh thì không”. Cho nên khi mà mất “hạnh” rồi thì ai thèm ghi công đâu cho dù phía sau mình làm rất nhiều, nhưng chỉ một lời nói, một hành động thiếu hạnh thôi thì người ta sẵn sàng quên hết những công mình làm, và ghi hết những cái hạnh chưa tốt của mình vào sổ. Muốn công đức trọn vẹn thì phải luyện cho được “công hạnh”. “Hạnh” là gì? “hạnh” là hành động. Ví dụ có nhiều người đâu có làm gì đâu? Nhưng mà đẩy họ ra lãnh thưởng. Ví dụ như Pháp Hòa đâu có làm gì đâu, ngồi chơi, uống trà, nói chuyện vậy thôi, Phật tử làm hết, nhưng mà ai khen là Pháp Hòa được hưởng hết. Phật tử người ta khen Pháp Hòa chứ có khen mấy vị kia đâu? Nhưng thật sự ra Pháp Hòa mang ơn quý vị phía sau lắm. Bởi vì quý vị đó không dàn dựng cái tuồng ở phía sau thì Pháp Hòa ra múa nó trơ dữ lắm. Những người phía sau là công dữ lắm. Pháp Hòa chỉ đóng một vai “đời cô hạnh” thôi , có nghĩa là phải đi tới đi lui sao mà coi cho được (cười). Ca sĩ mà hát hay thì không thể thiếu cây đờn, mà tay đờn có giỏi cũng không thể thiếu một ca sĩ hay được. Cho nên công đức cần phải được đi đôi với công hạnh. Mà cái “hạnh” mà không rồi thì “công” cũng không mà “đức” cũng không
Đạo Phật có đức Phổ Hiền tượng trưng cho cái “hạnh”. Đại hạnh mà. Còn đức Văn Thù là tượng trưng cho đại trí. Đức Quan Âm tượng trưng cho đại bi, đức Địa tạng tượng trưng cho đại nguyện. Người muốn làm việc trong đời này nếu thiếu 4 cái đức đó thì thiếu công thiếu hạnh vô cùng. Phải đầy đủ, cái nhìn cho thấu đáo, việc làm cho trọn vẹn, cái chí nguyện cho kiên cường và tình thương cho nó rộng lớn. Một người cha mà tình thương không rộng, thấy biết không sâu, phát nguyện không vững bền thì “hạnh” không làm được. Người thầy, người Phật tử cũng vậy. Ví dụ một ông thầy đi tu, ngày nay mà tu được là nhờ có trí, nhờ có bi, có nguyện. Nhờ 3 cái kia mà cái hạnh là tu cho đến giờ phút này. Cho dù:
“Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yến thắm bỏ bùa cho sư đeo
Sư về có ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc nên sư trọc đầu”
thì cũng “A Di Đà Phật!”. (cười) tại sao vậy? Vì nếu sư ốm lăn ốm lóc mà sư ra đời thì có chuyện mới nói, còn sư ốm lăn ốm lóc mà sư vẫn còn trọc đầu là sư tu rồi chứ gì nữa. Cái gì mà trách sư. Sư đâu phải là thánh nhân? Sư cũng là phàm phu như mình vậy, nhưng nhờ sư có trí nên thấy rằng “3 cô đội gạo lên chùa, cô nào cũng đẹp nên thôi đi về” (cười). Mình tu mặc dù có khổ nhưng Phật đã dạy “tu trước khổ, sau vui”. Trước khi đi tu, có vị thượng tọa tặng cho Pháp Hòa bài thơ:
“Con hãy hy sinh hạnh phúc mình
Lên đường tìm đạo cứu nhân sinh
Đời con nay đẹp mai đau khổ
Lưu luyến mà chi một bóng hình”
Thầy mới nói thêm một câu “mai mốt sư phụ Thiện Tâm mà cạo đầu cho điệu Hòa thì thầy sẽ cho điệu thêm 2 câu: “từ nay khép cánh tình riêng lại. Mở ánh tình chung rải ánh vàng”, cho nên ngày giờ này còn ngồi đây, đó là nhờ mình có lạy đức Quan Âm, có lạy đức Phổ Hiền, có lạy đức Văn Thù, có lạy đức Địa Tạng nữa cho nên mình vẫn còn tu đến nay. Mình làm thầy, làm cha mẹ, làm ông bà hay bất cứ một bổn phận nào trong cuộc đời này, chúng ta không thể thiếu được 4 vị Bồ Tát này. Phải có 4 vị Bồ tát luôn có mặt. Nói 4 nhưng thật sự chỉ là một vì chỉ cần mình ôm ấp được người kia là Quan Âm có mặt, đại nguyện có mặt, sự cảm thông có mặt. Cho nên chỉ cần 1 mà bao bọc cả 3 cái kia.
Lễ Vu Lan mình cài hoa hồng cho mẹ. Có nhiều người sẽ nghĩ “vậy không kể công cha sao?” Không phải! kể chứ! Nhưng vì mẹ cực hơn cha. Mẹ phải mang mình đến 9 tháng 10 ngày rồi 3 năm bồng ẳm nên luôn luôn lấy tình thương của mẹ để lên trên. Mẹ là hạnh, cha là công. Vì cha thương con, cha ở phía sau thôi. Ví dụ giận con không ăn mẹ lại mẹ dỗ chứ cha thì nói “kệ đi cho nó đói đi”, nhưng mà lát nữa nó vô phòng nó ngủ thì cha vô hé hé cửa coi nó làm gì trong đó. Tại sao biết được như vậy? Vì cha này cũng như vậy nè. Giận phạt quỳ vậy chứ lén lén nhìn coi mấy chú có đau chân không? Mà phạt quỳ xong lát kêu vô vỗ từng chú. Mà chú nào không làm lỗi vỗ chú đó trước. Thầy biết hôm nay con không có lỗi nhưng thầy phạt con quỳ vì con ăn ké, con cộng nghiệp với mấy sư huynh sư đệ. Con nên nhớ rằng con làm tốt thì cả huynh đệ con đồng được tốt, con không tốt thì cả huynh đệ con cũng không tốt.
“Nhất nhơn tác phước thiên nhơn hưởng
Độc thọ khai hoa vạn thọ hương”
Sống trong tập thể là phải chấp nhận vui cùng vui mà buồn cùng buồn.
Những chú bị phạt vỗ cách khác. Mà lỡ có nóng quá mà la, lát sau phải xin lỗi. “Hồi nãy thầy nóng giận quá thầy la như vậy là thầy không có đúng. Mà con có thương thầy không? Con thương thầy thì con đừng có làm cho thầy giận vì mỗi lần giận la xong thầy mắc cỡ dữ lắm. Vì thầy dạy tụi con không được giận mà thầy giận tức là thầy làm sai với lời thầy nói. Thầy cũng biết mắc cỡ và xấu hổ dữ lắm. Thôi lần sau thương thầy đừng làm thầy xấu hổ kiểu đó nữa. Nhưng mà A Di Đà Phật, nói tai này xong lọt qua tai kia. Vì vẫn là con nít. Phàm phu mà chưa tẩy trừ thì cũng còn là phàm phu. Tại sao vậy? “Vô chùa thấy Phật muốn tu. Về nhà thấy một đống bill thì công phu không đành” (cười)
12/8/2006
Còn tiếp chưa gõ xong...
(Ghi chép lại từ pháp thoại của thầy trên kênh youtube Pháp Thoại Thích Pháp Hòa)