Mình là một Phật tử thì phải luôn cố gắng trau dồi sự hiểu biết về Phật pháp của mình. Người con Phật phải có hiểu biết đúng về những lời dạy của Phật để có "chánh kiến". Chánh kiến là những cái thấy rất đúng, còn ngược lại chúng ta gọi là "tà kiến". Người Phật tử phải có chánh kiến, và tu học thì phải có đọc, có nghe và tư duy về giáo lý đó. Quý vị thấy những tôn giáo khác, tín đồ đều phải học giáo lý và biết rất rành về vị giáo chủ của mình. Nhưng Phật tử chúng ta thì hơi hời hợt hơn, chỉ cần biết đi chùa, tụng kinh, lạy Phật là được rồi. Còn mấy chuyện tìm hiểu đó thì hình như là chuyện của quý thầy, quý sư cô hay chuyện của người tu. Nói chung thì chúng ta cũng không có quan tâm lắm. Nhưng Pháp Hòa xin có một lời gọi là khuyến khích: nếu tất cả chúng ta đã là một Phật tử thì ít nhất, tệ nhất chúng ta cũng phải biết về lịch sử của Đức Phật. Một vị thầy chúng ta tôn kính mà nếu chúng ta không hiểu Đức Phật là ai? Ngài sinh ở đâu? Mặc dù đó chỉ là lịch sử, nhưng đó là căn bản mà người Phật tử cần phải biết, phải hiểu. Bởi vì chúng ta tin Ngài mà chúng ta không biết Ngài là ai? Ngài đã dạy gì thì uổng lắm. Mà kho tàng của Phật pháp thì thậm thâm vi diệu. Dù chúng ta có bỏ một ngày 24 giờ suốt 100 năm chúng ta cũng không thể nào bơi lội hết trong biển Phật pháp bởi vì thánh điển của Phật giáo gồm có 3 tạng: Kinh, Luật, Luận. Và dĩ nhiên đâu cần chúng ta phải đọc hết, nhưng mà những cái căn bản chúng ta cần phải biết.
Cho nên, ngày xưa đức Khổng Tử cũng dạy “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỷ” tức là “sáng mà nghe được đạo lý, chiều có chết cũng vui”. Và Thái Công cũng dạy: “Nhân sinh bất học, minh minh như dạ hành”, “người sống ở đời mà không có học thì mờ mờ như người đi đêm”. Mình là Phật tử cũng vậy, nếu mình không để tâm tìm hiểu những lời Phật dạy thì mình là Phật tử nhưng mình cũng mờ mờ như người đi đêm vậy. Tại vì mình không hiểu Phật dạy cái gì.
Đa số mọi người cứ hay nói “tôi không có giống người ta, tôi chỉ tu tâm thôi”. Nhưng mà hỏi “tu tâm tu làm sao?” thì mình trả lời rất đơn giản là “ăn hiền ở lành là được rồi”. Nhưng mà ăn thì ăn đâu có hiền. Không có ngày chay lạt nào hết mà hiền cái gì? Ăn hiền chưa? Ăn đó còn dữ, chưa có hiền.
Mà ở đã lành chưa? Ở cũng chưa lành vì ai đụng tới còn sân lên la ó um sùm thì chưa phải là ăn hiền ở lành. Câu nói nghe rất đơn giản “tôi chỉ ăn hiền ở lành” nhưng mà suy cho kỹ, nghĩ cho cùng thì chữ “ăn hiền ở lành” đó chúng ta chưa thực hiện đúng lắm đâu. Chúng ta nói chúng ta “tu tâm” mà tâm ra làm sao mà tu? Nó có bao nhiêu thứ tâm? Không biết!
Nội cái chuyện Tham, Sân, Si là 3 cái độc căn bản thôi mà mình cũng còn lặn ngụp dưới 3 cái tham sân si đó huống chi là chúng ta gọi là rèn luyện cái tâm. Mình phải biết cái tâm, cái gì nó đang khởi trong tâm mình để mà chúng ta phòng hộ và chuyển hóa nó.
Vì vậy cho nên “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý”. Cục ngọc, cục đá đó mà không mài, không dũa thì cục ngọc đó không thành kim cương, hột xoàn. Sở dĩ nó thành ra một cái hột rất nhỏ, rất tinh vi, rất trong suốt, rất đẹp để cho chúng ta đeo làm trang sức thì nó cũng phải từ cái viên to mà người ta phải mài dũa mới thành ra những viên đó. Cũng vậy, người mà không học thì chúng ta không thông những cái lý.
Thời của Phật, khi Phật còn tại thế thì không có vấn đề viết Kinh, Phật chỉ thuyết Kinh thôi, Phật giảng thôi. Rồi tất cả muốn nghe, muốn hiểu được những lời Phật dạy thì tất cả phải huân tập về tịnh xá, về chùa để nghe. Cho nên chỉ có một phương pháp duy nhất để hiểu Phật pháp là phải nghe, chứ chưa có vấn đề chép kinh. Chép kinh là sau này. Đức Phật nhập Niết Bàn rồi mới bắt đầu kết tập kinh điển. Nhưng kết tập Kinh điển lần đầu tiên cũng không có ghi chép gì hết. Thí dụ Đức Phật nói pháp mỗi lần có khoảng 300 ~ 1000 người nghe. Rồi có người nhớ đoạn này, có người người nhớ đoạn kia. Cho nên chư tăng thường hay tụ hội lại để mời vị này vị kia lên nói lại những gì đã nghe. Rồi đại chúng khác nghe tiếp, nghe rồi bổ túc. Cứ như vậy thôi chứ không có ghi chép. Gọi là "khẩu truyền". Như vậy thì chỉ có một phương pháp duy nhất là phải nghe pháp để tu tập và tư duy vào thời Phật.
Muốn có sự hiểu biết chân chánh thì người Phật tử phải làm gì? Phải nghe thuyết pháp, phải nghe pháp thoại để mình tăng trưởng trí tuệ. Trong đạo Phật có 3 thứ trí tuệ căn bản:
1. Trí tuệ về nghe
2. Trí tuệ về tư duy
3. Trí tuệ về tu tập
Người ta gọi là Văn, Tư, Tu. Mình phải học rồi phải nghe, nghe xong mình phải suy nghĩ, tư duy. Tư duy những gì mình nghe và bắt đầu mình áp dụng để làm lợi ích cho mình, cho những người xung quanh. Văn, tư, tu là nghe, suy nghĩ và thực hành. Trong Kinh Hoa Nghiêm, trong 10 pháp tu hành của một phẩm kinh thì đức Phật cũng có đưa lên khái niệm là “Tụng tập đa văn”. Tức là phải học hỏi sâu rộng về Phật pháp, học để rõ cái lý của Phật dạy, gọi là chân lý. Học để bồi đức hạnh. Do đó, việc học là chân lý đưa đến sự giải thoát phiền não, phá tan sự mê lầm. Và trong 3 điều kiện tu tập thì bắt buộc đưa cái nghe lên hàng đầu.
Mình học Phật, một trong những phương pháp học là nghe. Thay vì hằng ngày mình nghe rất nhiều thứ. Ai mà làm thư ký ở các văn phòng bác sĩ, nha sĩ, ai làm nghề uốn tóc, ai ở ngoài chợ thì nghe nhiều không? Nghe rất là nhiều! Người ta đi vô chợ người ta đâu có mua hàng liền đâu. Đi vô cái gặp người này người kia rồi đứng lại nói chuyện. Hoặc là ghé lại người mình có quen biết và nói chuyện. Hoặc là chỗ nào mà có chờ đợi là sẽ có nói chuyện. Có nói thì sẽ có nghe. Mà nói thì có bao giờ nói chuyện của mình không đâu, còn nhiều chuyện của người khác nữa. Mình không có đọc báo. Tại vì sao? vì mình có ký giả hết trơn (cười). Chuyện gì là người ta chỉ cần nhấc phone lên người ta báo cáo với mình thôi. Rồi bắt đầu mình gặp ai mình cũng báo cáo lại. Nhưng mà mình cũng dặn người ta một câu: “tôi nói chị nghe, chị đừng nói ai nghe nha”. Nhưng mà rốt cuộc thì sao? Ai cũng nghe hết trơn. Rồi chuyện bể ra cái nói “tôi dặn chị rồi!!!”. Rốt cuộc là có một người nghe thôi là cả xóm cả làng nghe hết.
Mình nói, mình nghe như vậy nó không có tăng trưởng lợi ích cho tâm linh của mình mà chỉ tăng thêm nhiều phiền muộn. Đó là Pháp Hòa chưa nói đến chuyện còn phải đôi chối, còn phải xích mích với nhau nữa. Vì vậy cho nên người Phật tử mình tập nghe nhiều Phật pháp. Mới đầu có thể mình nghe chưa quen, vì lâu nay mình nghe tiếng nhạc, tiếng đàn quen rồi. Bây giờ phải nghe quý thầy cứ ngồi lải nhải hoài mình cũng mệt dữ lắm. Mình mua rất nhiều băng giảng về nhưng mình nghe sao biết không? Tối leo lên giường cái mình mở máy lên, thầy vừa nói đến “Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày…” là mình khò rồi. Rồi bắt đầu mình ngủ tới sáng, giật mình thức dậy thấy cái băng nó hết. Rồi ngày mai mình cũng bỏ vô mình nghe nữa nhưng mà cũng tới đoạn “hôm nay là ngày...khò” (cười). Và hồi xưa là có những cuồn băng cát-xét thì mình để mặt A vô, mình nghe được một đoạn nó hết mặt A (vì mình ngủ rồi). Ngày hôm sau mình bỏ mặt B vô. Mình nghe được đoạn đầu. Thành thử cuộn băng mình nghe nhiều lắm. Nghe tới nghe lui muốn nhão băng luôn mà có hai đoạn thôi. Đoạn đầu của mặt A và đoạn đầu của mặt B (cười).
Thành thử ra Phật tử phải biết bổn phận của mình là phải nghe để học, học để tu. Văn, tư, tu là 3 cái điều rất là căn bản cho cái việc tu học của mình. Nên mình mà không học thì mình không có thông. Không thông thì ai hỏi mình không biết. Không chịu học nên khi ai hỏi đến thì mình lúng túng. Ngày xưa tổ Quy Sơn có nói một câu như này: “xúc sự diệm tường” (gặp việc thì xoay mặt vô vách). Tức là mình không biết giải thích ra sao. Nếu có người trẻ, người hậu học đến hỏi thì mình “vô ngôn tiếp dẫn” “không có lời để mà giải thích”, không nói được. Nhiều khi mình còn nói “con nít con nôi hỏi chi ba cái chuyện đó”. Hoặc là “má đâu có biết, ba đâu có biết. tại má thấy ông bà nội, ông bà ngoại làm như vậy rồi má cũng làm theo. Kiểu như mấy vị lên chùa nói “Nam mô A Di Đà Phật. Ai sao con vậy. Ai làm bậy con làm theo”. (cười). Thành ra mình phải biết.
Bây giờ mình có phương tiện học Phật rất là dễ dàng. Ngày xưa muốn nghe pháp là phải đích thân lên chùa dự những buổi nói pháp chứ đâu có chuyện mà có băng cát-xét, đâu có CD, đâu có DVD. Bây giờ có đủ thứ phương tiện hết mà chúng ta không lợi dụng để học hỏi thì rất uổng. Uổng cái sự hết lòng hết dạ của vị giảng sư, vị nói pháp và những vị để công ra rất nhiều để làm một cái đĩa CD cho mình nghe. Khi chúng ta có cơ hội, có duyên phước nghe pháp thì chúng ta nên trân trọng tiếp nhận. “Trân châu dị đắc, hảo ngữ nan cầu”, viên ngọc thì dễ có chứ lời lành thì khó có lắm. Tại vì thường thường người ta ít có hướng dẫn cho mình lời lành. Cho nên nếu mà không học thì mình mập mờ, mình nghe theo nhiều người rồi mình không có thông suốt. Giống như người mù mà dắt người không thấy vậy. Mình mà không hiểu rồi thì mình nói tầm bậy. Tổ Quy Sơn cũng nói “Túng hữu đàm thuyết bất thiệp điển chương”, túng quá nói bậy, không có đúng với những gì ghi trong sách vở.
Đức Phật trong một phẩm Kinh gọi là phần nghe pháp trong Kinh tăng chi bộ quyển 2, có nói một bài pháp, một đoạn ngắn thôi về vấn đề 5 lợi ích của người nghe pháp. Pháp Hòa xin đọc đoạn kinh đó cho đại chúng nghe:
“Một thời Thế Tôn trú ở Kipila, Ngài cho gọi các tỳ kheo. Này các tỳ kheo, nghe pháp có 5 lợi ích. Thế nào là 5?
1. Được nghe điều chưa nghe
2. Làm cho trong sạch những điều đã được nghe
3. Đoạn trừ nghi
4. Làm cho tri kiến chánh trực
5. Làm cho tâm tịnh tín
Này các tỳ kheo, nghe pháp có 5 lợi ích này. "
Đoạn kinh ngắn như vầy thôi và Đức Phật hướng dẫn, nhắc nhở, khuyến khích và cho chúng ta thấy lợi ích khi chúng ta nghe pháp.
1. Nghe điều chưa nghe: Mình đi chùa hàng tuần là mình nghe điều chưa nghe. Có nhiều khi mình sẽ nói như vầy: “thầy nói như vầy không đúng. Có những điều mà quý thầy nói hoài tôi nghe hoài”. Có nhiều khi Phật tử, huynh đệ khuyên lên nghe pháp thì mình nói “thôi, thầy vừa mở miệng thôi là tôi biết ổng muốn nói gì rồi” hay không? (cười) . Tại sao nói là nghe được những điều chưa nghe? Dù rằng mình nghe điều đó hà rầm nhưng mình không nhớ và không thực hành thì cũng kể như là chưa nghe. Có đúng vậy không? Giống như nhiều khi mình giận con mình, mình la nó “trời ơi mẹ nói những điều này với con hoài mà sao con không nghe?” mà nếu nó có nghe thì nó đã làm rồi. Cho nên mặc dù mình đã thuyết cho nó mỗi ngày nhưng mà nó không để tâm thì coi như nó chưa nghe. Cho nên mình đừng có tưởng nha. Mình nghe pháp hà rầm, mình nghe nhiều, nghe tới nghe lui, nghe xuôi nghe ngược nghe ngày nghe đêm nhưng mà không để tâm, không thực hành thì điều đó cũng như chưa nghe.
Còn nếu nói rằng: "hầy nói cái chuyện cũ rích". Cũ rích mà mình không nhớ thì nó cũng mới toanh. Cho nên nhiều khi mình nghĩ là quý thầy cứ lên giảng tới giảng lui có nhiêu chuyện. Thì đúng rồi! Bởi vì chúng sanh mình cũng có nhiêu chuyện à. Cũng học ăn,học nói, học gói, học mở gì đó thì Phật cũng dạy bấy nhiêu thôi. Con người mình hàng ngày cứ sáng ngủ dậy thì rửa mặt, vệ sinh, ăn sáng, đi làm, chiều về nấu cơm, coi tivi, đi ngủ. Ngày nào cũng bao nhiêu đó có chán không? Cũng vậy thôi! Chán cũng vậy, không chán cũng vậy vì đời sống con người mình cũng chỉ bấy nhiêu thôi. Cũng giống như mình đi chợ, có bao nhiêu rau đó mua đi mua lại hoài. Tu Phật, những cái gì căn bản nhất nó liên hệ tới đời sống con người mình thì Đức Phật cũng chỉ nói bấy nhiêu thôi.
Một hôm đức Phật ở trong rừng, Phật cầm một nắm lá Phật hỏi các thầy “Các thầy hãy cho tôi biết nắm lá trong tay tôi nhiều hay lá trong rừng nhiều?”. Các thầy bảo “lá trong rừng nhiều hơn lá trong tay của Thế Tôn”.
Đức Phật nói: “Cũng thế! những gì tôi biết nhiều như lá trong rừng, mà những gì tôi nói cho quý vị nghe và cần thiết nói cho quý vị nghe cũng như lá trong tay của tôi”. Thí dụ như bây giờ mình sống ở hải ngoại thì đa số quý thầy thuyết pháp cũng ảnh hưởng đến đời sống ở nơi này. Chứ còn kể chuyện đời sống ở chỗ này, chỗ kia thì nó có liên hệ gì đến đời sống ở đây? thì mình cũng không học được cái gì. Cho nên khi chúng ta nghe pháp, điều lợi lạc đầu tiên là chúng ta nghe được điều chưa từng nghe. Cách đây 5, 6 ngày có một anh buồn chuyện gia đình lên ngồi tâm sự thì Pháp Hòa có khuyên giải anh. Anh nghe xong rồi thì con mắt anh mở sáng lên và nói “trời ơi hồi nào giờ chưa bao giờ con nghe ai khuyên con như vậy hết á. Bạn của con nó khuyên ngược với những điều thầy khuyên không à.” Thì Pháp Hòa nói: “đúng rồi tại vì người thế gian thì họ hành xử theo thế gian”. Thì ảnh mới nói rằng “Bạn của con cứ bày vẽ cho con xử chuyện theo luật của giang hồ không à". Có nghĩa là:
"Kẻ kia rằm thì mình cũng phải mùng một
Kẻ kia tám lạng thì mình phải nửa cân
Đó vàng đây cũng kim ngân
Đó được mười phần đây chín có dư"
Người ta chỉ mình theo kiểu như vậy đó. Nhưng người đến với Phật pháp rồi thì khác lắm. Sống trong thế gian mà hành xử theo xuất thế gian. Còn nếu người ta đánh mình một cái, mình đánh lại một cái, chuyện bình thường. Mà người ta đánh mình một cái, mà mình nhịn được, thì chuyện đó mới có lạ để nói. Cho nên quý vị thấy không? Võ Tòng sát hổ người ta mới nói chứ Võ Tòng sát muỗi ai nói làm chi (cười). Võ Tòng đánh chết con cọp người ta mới truyền tụng, ca ngợi. Những chuyện thường người ta làm mà mình không làm, cái đó mới đặc biệt. Cho nên chữ "Nhẫn nhục" người ta cứ hay nói là “thôi, nhẫn là chịu nhục”. “Không, chữ đó nó ngược lại. Nhẫn là không nhục. Tại sao? Vì càng gây gỗ thì càng bùng xòe lên, có lợi ích gì cho nhau đâu? Cho nên Nhẫn là không nhục. Cho nên có câu khuyên:
“Nhẫn nhất thời phong bình lãng tịnh
Thoái nhất bộ hải khoáng thiên không”
"Một lần nhẫn là sóng yên gió lặng, lùi một bước là biển rộng trời cao". Còn mình cứ nhắm mắt đi càng “cũng đành nhắm mắt đưa chân, mà xem con tạo xoay vần đến đâu”. Để coi ý trời (cười). Không được! Nhiều khi mình cũng phải có chủ ý của mình. Người thế gian hành xử theo kiểu ăn miếng trả miếng còn người tu tập thì chúng ta không làm như vậy. Vì vậy cho nên cái lợi lạc thứ nhất là mình nghe những điều chưa nghe.
Điều thứ 2 là làm cho trong sạch những điều mình đã được nghe. Tại vì lâu nay mình toàn nghe những chuyện thị phi tốt xấu, nhân, ngã, bỉ, thử, đủ thứ hết. Bây giờ, một lần mình nghe pháp là một lần mình thanh lọc lại tâm thức của mình. Ví dụ như lâu nay mình hay phiền muộn, tức tối vì mình cho lời nói của người ta là thật. Giờ mình đi chùa mình nghe Phật dạy nè: “thân của mình đây cũng không thật". Lời nói cũng đâu có thật. Chẳng qua là mình chấp vào lời nói đó rồi mình buồn khổ với lời nói đó chứ thật sự lời nói qua rồi là nó đã thành quá khứ. Con người mình đâu có sống hoài với câu nói đó. Ngày hôm qua mình nói mình thương, hôm nay mình nói mình ghét mấy hồi. Hồi xưa người ta nói là “không có em như bầu trời không có nắng” rồi bây giờ người ta cũng có thể nói lại “bà ở nhà như nắng cháy mùa hè” (cười). Hồi xưa “từ ngày có em về nhà mình toàn ánh trăng thề” tức là đi chỗ nào cũng đẹp hết em ơi. Nhưng mà bây giờ thì khác, vô thường mà. Cho nên Phật dạy “thế gian là vô thường, tâm con người cũng vô thường. Tất cả mọi sự mọi vật nó luôn luôn thay đổi." Mình nghe như vậy rồi mỗi khi chuyện gì nó đến thì mình thanh lọc, mình về mình kiểm lại những gì lâu nay mình đã chấp vào nó, mình đã cột nó.
Ngày xưa có một vị tổ đến hỏi vị thầy của mình: “thưa thầy, xin thầy dạy cho con pháp an tâm”.
Người thầy bảo: “đem cái tâm nào không an ra đây ta an cho”. Người đệ tử đó ngồi lắng yên xuống mà khi yên rồi thì tâm bình lặng trở lại. Ổng chấp tay nói “dạ thưa thầy, con tìm cái tâm không an hổng ra”. Người thầy bảo: “như vậy là tôi đã vì ông mà an tâm cho ông rồi”. Cái tâm lộn xộn và cái tâm an đó nó là hai hay là một? Nó là một thôi! Mình lăng xăng lộn xộn thì mình nói là bất an. Mình lắng được nó xuống thì nó an.
Có một anh chàng làm nghề ăn trộm. Người ta bắt được anh. Mà ngày xưa một người phạm tội sau khi ra tù sẽ bị in một cái ấn lên mặt. Chữ trên mặt là chữ "ST". Tiếng Anh dịch là stealer. Để dấu trên mặt anh và cuộc đời của anh từ đây về sau coi như xong rồi đó. Anh đi đến đâu người ta cũng nhìn anh bằng một cặp mắt khinh rẻ vì anh là một người ăn cắp. Một hôm, anh đi đến một nơi và có một người đến ngồi gần bên anh. Anh này ngạc nhiên lắm, ảnh nói "tại sao anh có thể ngồi nói chuyện được với tôi?" Thì anh kia mới nói là "tôi đâu thấy anh có chuyện gì? Tôi thấy anh rất là tốt để được ngồi gần". "Anh không thấy trên mặt tôi có 2 chữ ST sao?". "Tôi nhìn chữ ST tôi đọc là “Saint” là một vị thánh". Ông kia ổng mừng quá “trời ơi, trước giờ ai cũng đọc là stealer hết, có mình anh đọc là Saint thôi.” Như vậy thì chúng ta thấy trong tâm thức chúng ta chứa cái gì nhiều? chứa rác nhiều hơn cái lành. Nếu tâm mình lành thì mình sẽ đọc chữ đó lành. Thiếu gì chữ ST trên đời mà tại sao nhìn chữ ST lại đọc ra thành stealer mà không đọc ra thành chữ Saint?
Như vậy thì chúng ta thấy tâm thức mình hàng ngày chứa cái gì? Ăn hiền chưa? ở lành chưa? Chưa! Ăn hiền đây không có nghĩa là ăn cơm lạt nước tương. Có 2 thức ăn căn bản: một loại thức ăn là để nuôi dưỡng cái thân của mình và có một thức ăn khác là nuôi dưỡng cái tâm của mình. Vì con người mình sống thì hai thứ đó nó phải hòa nhập với nhau. Thân và tâm. Như vậy thì hàng ngày mình phải tiếp xúc với cái gì để biến thành thức ăn tươi đẹp cho tâm thức, tâm linh của mình? Nếu hằng ngày mình đọc sách thánh hiền nhiều thì mình sẽ đọc chữ ST thành chữ saint. Còn nếu mình mỗi ngày tiếp xúc với nhiều cái xấu thì nó ra chữ stealer. Một câu chuyện đơn giản nhưng rất là hay và chúng ta nên học câu chuyện này để nhìn người và nhìn đời bằng cặp mắt từ bi của mình. Cho nên đức Quán Thế Âm Bồ tát được ca ngợi là một vị Bồ tát có đôi mắt dịu hiền, nhìn cuộc đời bằng mắt thương. “Từ nhãn thị chúng sanh”. Cặp mắt của tổ Bồ Đề Đạt Ma nhìn rất dữ, nhưng bên trong cặp mắt dữ đó là một trái tim nồng ấm thương yêu. Các vị vô chùa có thấy các vị hộ pháp không? Mặt mày dữ tợn mình nhìn là mình sợ liền. Mình nói “trời ơi, sao ổng tu mà ổng dữ quá”. Cặp mắt đó vẫn hiền hơn cặp mắt của mình nhiều lắm vì Ngài nhìn thẳng. Còn mình thì nhìn đây mà ngó bên ki, liếc xéo (cười). Mỗi lần chúng ta nghe Phật pháp, chúng ta lấy Phật pháp rửa cái tâm dơ đó. Thân dơ thì lấy nước mà rửa. Tâm dơ phải dùng câu niệm Phật mà rửa. Lấy giáo pháp mà rửa. Hằng ngày chúng ta phải làm những điều đó. Trở lại với câu số một “nhớ những điều mình đã nghe mà nếu chúng ta không lưu tâm, không để ý, không nhớ và không tu thì cũng như chưa nghe. Cho nên muốn có nước để rửa tâm thì phải để tâm mà nghe Phật pháp.
Lợi ích thứ 3: “đoạn trừ nghi”. Mình có nhiều cái nghi lớn lắm. Nghi Phật, nghi pháp, nghi tăng. Người Phật tử là quy y Tam bảo. Quy y Tam bảo là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Lạy Phật mình cũng nghi, không biết Phật có thiệt không? Nghi Pháp: "không biết cái này có phải Phật nói không?". Nghi tăng “ông thầy đó không biết ổng tu thiệt hay tu giả?”. Và còn nhiều cái nghi nữa. Người ta tốt với mình cái mình nghi “không biết sao dạo này người ta tốt với tôi quá? Tôi cũng hơi nghi ngờ". Thành thử ra tâm mình lăng xăng lộn xộn, người tốt mình cũng nghi, người xấu mình cũng nghi. Người ta không nhìn mình thì mình nói người ta khinh người. Mà nếu người ta tới nhìn mình thì mình nói không biết làm gì nhìn mình hoài. Khổ vậy đó. Rồi nhiều khi tiệc tùng người ta không mời mình cũng buồn, mà người ta mời thì cũng trách, làm gì mời hoài, quen sơ sơ cũng mời (cười).
Mình nghe Phật pháp để lắng tâm mình xuống và bớt những cái nghi đi. Nếu mình sống thật thì mình không sợ gì hết, mà nếu có người nào đó đến với mình bằng cái tâm không thật cũng không sao. Ở đời nhân quả rõ ràng, gọi là “hàm huyết phúng nhơn tiên ô tự khẩu”: ngậm máu phun người trước dơ miệng mình. Cho nên người nào đến với mình bằng tâm địa xấu thì mình chưa bị ảnh hưởng gì hết mà ngay tâm người đó đã vướng cái xấu rồi, vì họ nhuộm cái xấu nên họ mới đến với người khác bằng cái tâm xấu.
Nhưng mà mình là người con Phật, mình học Phật rồi thì mình tập cái tâm sống chân thật, sống đơn giản, vì nếu mình nghi rồi thì hành xử của mình không tự nhiên. Và từ những sự không tự nhiên đó làm cho người ta càng để ý mình hơn. Mới đầu người ta định xấu với mình một thôi, mà người ta thấy hành động của mình thấy ghét quá người ta xấu tới hai, ba. Thật ra sống ở đời nói đơn giản thì nó cũng thật là đơn giản, mà nếu nói đến phiền phức thì nó cũng thật là phức phiền. “Rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Có những bản nhạc mình nghe nó du dương nó hay dữ lắm. Nhưng mà nghe cho kỹ thì lời nhạc buồn thảm lắm.
Có nhiều khi mình không hiểu điều gì đó trong Phật pháp nhưng mà nhờ mình nghe pháp cho nên mình thông. Ví dụ như các vị đi chùa hàng tuần, có bao giờ các thầy vô tình giải đáp được những điều thắc mắc của quý vị không? Có chứ! không nhiều thì ít chứ sao không được? Ngay cả bản thân quý thầy cũng vậy thôi. Có những điều lâu nay quý thầy chưa thông nhưng nhờ học Phật pháp, nhờ đọc sách, nhờ nghe giảng cho nên những điều mình nghi, mình hiểu chưa rõ ràng đã thông. Hồi nhỏ mình đọc Kinh mình có nhiều thắc mắc lắm nhưng chưa tiện hỏi ai. Lớn lên nhờ đọc sách, nhờ nghe quý thầy dạy mà từ từ, từ từ nó mở, nó mở ra. Khi mình học mình mở được những chỗ đó rồi và mình đem áp dụng vào cuộc sống hàng ngày thì mình thấy Phật pháp mầu nhiệm. Mầu nhiệm ở đây không có nghĩa là Phật pháp linh thiêng cầu gì được nấy. Mầu nhiệm có nghĩa là đúng bệnh, đúng thuốc, có khả năng chuyển hóa khổ đau cho mình. Mầu nhiệm là mầu nhiệm vậy đó chứ không phải là Phật pháp linh đâu. Chữ mầu nhiệm trong đạo Phật có nghĩa là có khả năng chuyển hóa đau khổ cho mình. Hổng tin thì mình phải làm. Làm rồi mới tin. Chứ còn ngồi đó mà suy tư, luận đoán thì không biết được. Phật pháp là đến để mà thấy, thấy để mà tin, tin để mà tu.
Lợi ích thứ 4 của việc nghe pháp là làm cho tri kiến được chánh trực. Tri kiến là cái biết, cái thấy của mình. Tri là biết, kiến là thấy. Lâu nay mình thấy biết chánh hay tà? Nếu không chánh tà thì nó cũng nghiêng nghiêng, nó lệch lệch. Nhưng mà bây giờ mình nghe Phật pháp rồi thì mình nghe và thấy rất là chánh trực. Mình cũng biết vậy nhưng mà biết nhiều cái méo mó. Cái biết của mình nó chấp chặt thành từng khối. Và những cái khối biết đó làm mình đau khổ. Mà cái gì làm cho mình đau khổ thì chưa phải là chân lý hay tri kiến chân chánh. Ví dụ: mình nói là thắp hương cho Phật phải thắp ba cây. Thắp một cây không đủ. Rồi mình thấy ai thắp một cây là mình phiền lắm. Vậy cái thấy của mình nó đúng hay nó sai? Nó sai là tại vì mình chấp vào cái biết của mình. Thì đúng rồi, người ta có quyền thắp ba cây thì người ta cũng có quyền thắp một cây tại vì ba cây là tượng trưng cho Giới, Định, Tuệ. Nhưng mà có một giáo lý tuyệt vời trong đạo Phật là trong một chứa ba. Trong giới có định có tuệ, trong định có giới có tuệ và trong tuệ có giới có định. Mình phải hiểu “một là tất cả, tất cả là một”. Hiểu được cái đó rồi thì tri kiến của mình nó chân chánh rồi. Nên người ta có thắp ba cũng được, thắp một mình thấy cũng không sao.
Có nhiều người, người ta bị đau chân mà mình không có biết. Mình thấy người ta đứng xá xá cái mình phiền. Mình nói người đó sao vô chùa không chịu lạy? Rồi khi mình hiểu ra thì mình mới biết là người ta bị đau chân. Cho nên có nhiều cái mình biết, mình cho là Phật pháp nhưng coi chừng. Nếu cái biết đó mà mình chấp nó thì cái biết đó chưa được gọi là "tri kiến chân chánh". Có bài kệ dâng hương cúng Phật : “Giới hương, định hương, cùng huệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương’. 5 thứ hương. Cái tri kiến là những gì mình thấy, biết, mình phải giải thoát nó nữa. Có nghĩa là đừng chấp.
Hôm trước mình bệnh, mình uống Tylenol hết bệnh. Rồi bây giờ mình đi đâu mình cũng kè kè cái bình thuốc Tylenol đi theo. Thấy ai bệnh mình cũng đưa bình thuốc kêu người ta uống đi, hôm trước tôi bệnh tôi uống hết đó. Thì cũng là một thứ tri kiến chứ gì? Nhưng mà nó có chánh không? Không! Mình quên một điều rằng đâu có bệnh nào giống bệnh nào. Và thậm chí cũng có nhiều người nhức đầu, cảm, sổ mũi như mình mà người ta bị dị ứng với Tylenol người ta chỉ có thể uống loại khác mà thôi. Cho nên khi mình nghe Phật pháp rồi giúp cho tâm mình rộng mở ra, giúp chúng ta biết uyển chuyển tùy duyên và biết sống với tri kiến chân chánh của mình. Có nhiều khi người ta hỏi mình “ủa? anh không biết cái đó hả?” “trời ơi, có cái gì mà tôi không biết”. Nhưng mà hỏi ra thì kể ra một lô toàn những cái biết méo mó. “Tôi biết mà. Anh đó như vậy, chị kia như thế kia”. Hỏi sao anh biết? “Tôi nghe người ta nói”. Chứ cũng không thấy không nghe gì hết trơn đó mà chỉ nghe nói lại thôi. Ở đời này phần lớn đau khổ là xuất phát từ nói với nghe. Kẻ nói cũng khổ mà kẻ nghe cũng khổ. Cổ nhân dặn mình:
“Tri sự thiểu thời phiền não thiểu
Thức nhơn đa xứ thị phi đa”
Biết việc ít thì phiền não ít. Quen biết nhiều lắm thị phi. Cái gì mình thấy mình hãy nói, cái gì mình không thấy thì không nói. Cái gì mình nghe mình hãy nói. Còn cái gì mình không nghe mà mình chỉ nghe người ta nói thôi thì chết. Có ngày tiêu hồi nào không biết. Chữ tiêu ở đây là tốn giảm phước đức, hao mòn công đức của mình. Đến cửa chùa rồi mời bạn mỉm cười, lặng nhìn bớt nói. Nói nhiều thì thêm phiền muộn.
Ngày xưa, các chư tăng sau giờ thiền tập, tụng kinh thì ngồi bàn chuyện xã hội, bàn chuyện thế sự với nhau mà không ai đi ngủ thì đức Phật đi tới hỏi lý do. Các thầy mới nói là tụi con đang bàn chuyện này chuyện kia. Đức Phật nói tôi có phương pháp này dạy cho quý thầy nha. Phương pháp đó là “nếu cần nói thì nói như chánh pháp. Nếu cần im thì cũng phải im như chánh pháp”. Bài pháp rất đơn giản. Còn bây giờ mình thì sao? Nói quá chừng nói mà không đâu ra đâu hết. Mà có nhiều khi bực quá mà mình im, tức quá mà im chứ không phải hoan hỷ mà im đâu. Tức quá không thèm nói nữa. Không nói nhưng mà ra dấu. Thay vì “từ nhãn thị chúng sanh” thì mình liếc, trừng, hoáy, huých, dằn mâm xáng chén, đóng cửa kéo ghế đủ thứ hết. Mình đâu có im lặng như chánh pháp đâu. Ngày xưa ông bà mình cũng dạy “nói là vàng mà nín là bạc”. Có những cái nói, nói là vàng. Có những cái im, im là bạc. Vì sao? Vì nói đúng lúc, im đúng thời, đúng chỗ.
Lợi ích thứ 5: làm cho tâm mình tịnh tín. Tịnh là trong sạch. Tín là niềm tin. Khi có nghe pháp rồi thì làm cho mình có niềm tin trong sáng. Nghe pháp để hiểu lời Phật dạy một cách chân chánh là một trong những nhiệm vụ của người Phật tử. Trong 5 mục đích của nghe pháp: nghe để hiểu, hiểu để tin và tin để thực hành. Quý vị thấy nó liên đới không? Nghe để hiểu, hiểu để tin, tin rồi thực hành chứ không phải tin rồi để đó. Mình đa số là nghe rồi cất đi. Tin là phải thực hành. Mình chỉ tin vào Tam bảo thôi là chưa đủ. Ngoài niềm tin, mình phải có hiểu biết một cách chân chính. Ví dụ quý vị tin Phật mà không hiểu Phật. Đức Phật nói một câu nghe rất là thẳng thắn: “Tin tôi mà không hiểu tôi chẳng khác nào phỉ báng tôi”.
Hôm rồi Pháp Hòa đi Trung Quốc, có một cô dẫn đoàn giải thích cho đoàn khác, mình vô tình nghe mà mình thấy tức cười. Cô giải thích như vầy: “quý vị có biết tại sao người Trung Hoa thích đốt nhang thật nhiều cho Phật không? Là tại vì con người mình sống thì cần ăn còn Phật không có ăn như mình, Phật ăn khói không à. Cho nên người Hoa đốt nhang nhiều lắm là để cúng cho Phật ăn cho no” (cười). Trời ơi, bỏ suốt cuộc đời ra tu mà ăn khói không thôi em hổng tu đâu (cười). Đi vô một chỗ trái cây thiệt thì không để, để một dĩa táo màu xanh, một dĩa trái đào, một dĩa cam. Mình nói sao đẹp quá tới hồi nhìn kỹ 3 dĩa trái giả (cười). Tội nghiệp. Làm Phật đã khổ rồi. Ngồi im bất động mình muốn nói gì Phật cũng nghe hết mà rồi cúng vầy nè. Khóm không để dao sao gọt? Sầu riêng mà không mổ. Có cô kia cổ đem trái dừa lên cúng, cô la con gái “con đem con dao lên con”, “chi vậy mẹ?”, “để con dao Phật dạt chứ sao Phật ăn” (cười). Pháp Hòa nghe xong nói “mô Phật, vậy thôi xuống bếp lấy luôn cái ống hút”.
Có cô khác giải thích đức Quán Âm nghìn tay nghìn mắt cho đoàn kia nói “quý vị biết không? Ông Phật này trước kia là đàn ông mà tu riết thành đàn bà.” Thành thử ra rồi tin mà tin cái kiểu đó là tiêu Phật rồi. Mình phải hiểu tin Phật mà không hiểu Phật thì gọi là "mê tín". Mà tin mà hiểu Phật gọi là "chánh tín". Mà đa số Phật tử mình học Phật không đàng hoàng thì đa số là mê tín.
Cho nên mình là người Phật tử rồi, đã đến chùa tu học, nghe pháp rồi là một phước báu lớn cho mình. Có những nơi người ta ham nghe Phật pháp mà không có ai diễn giảng. Còn mình bây giờ đủ thứ điều kiện. Mặc dù mình ở xứ này có lạnh thiệt nhưng mà nói về điều kiện để tiến tu thì mình có. Mình có được một ngôi chùa khả dĩ để mà mình có thể ngồi vào đó nghe pháp thoải mái, rồi có quý thầy thường xuyên hằng quan tâm hướng dẫn cho mình. Đó là nói về tâm linh. Còn nói về đời sống hàng ngày, khi mình có những khó khăn thì quý thầy cũng luôn luôn bên cạnh mình để lắng nghe và để tìm những cách an ủi, giúp đỡ mình. Rồi có những người đồng đạo cùng tu học với mình, cùng nương nhau tu. Nhìn cho kỹ thì chúng ta có rất nhiều điều kiện tốt. Nếu chúng ta không biết nhìn, không biết cảm để sống thì uổng lắm. Do vậy, người Phật tử phải thường xuyên nghe pháp để tư duy và tu học hầu làm tốt cho bản thân, gia đình và những người xung quanh mình. Như vậy chúng ta mới khai mở được trí tuệ trong cuộc sống hàng ngày và làm đẹp cuộc đời mình bằng giáo pháp của đức Phật.
Mà nếu chúng ta cứ chấp vào lời đó và hiểu như vậy cũng như là chúng ta hiểu chưa chánh trực. Hiểu chánh trực là gì? Là chúng ta biết ứng xử tùy thời và tùy lúc. Giờ quý vị nhớ 5 lợi ích của việc nghe pháp chưa? Một là gì? Nghe những điều chưa nghe. Điều thứ 2 là trong sạch những điều đã nghe. Điều thứ 3 là trừ những nghi ngờ trong mình. Điều thứ 4 là làm cho tri kiến mình chánh trực. Điều thứ 5 là phát tâm tịnh tín. Nghe pháp rồi thì sẽ có niềm tin trong sáng nơi Phật pháp.
Mình có quyền cầu nguyện nhưng mà chúng ta phải hiểu rằng giáo pháp của đức Phật không phải chỉ thuần nhất là vấn đề cầu nguyện mà còn gì nữa? còn phải tự mình phát tâm tu. Chúng ta không tự phát tâm tu thì khó mà thành đạt được. Giống như là "tôi ước mong cho tôi có cơm ăn". Mình có quyền ước mong nhưng ông bà mình cũng dạy một câu “muốn ăn phải lăn vào bếp”. Muốn tu là mình phải thực hành chuyện tu. Muốn tốt cho mình, đẹp cho gia đình thì mình phải tự mình chuyển hóa mình chứ đừng nói rằng để từ từ rồi Phật phù hộ mình. Phật có phù hộ mình tức là Phật cho mình giáo pháp để phù hộ mình mà mình không đem giáo pháp ra áp dụng thì sao phù hộ được? Giống như mình bệnh mình hay cầu nguyện cho con được gặp thầy hay thuốc tốt. Bây giờ gặp thầy, gặp thuốc rồi mà mình không chịu uống thuốc thì làm sao hết bệnh? Mà mình cứ nghi không à. “Uống lâu quá không biết có hết bệnh không?” “mà tôi uống nhiều thứ rồi, thành thử ra kỳ này tôi gặp thuốc này tôi cũng nghi không biết có hết không?”. Vì vậy, hôm nay Pháp Hòa chia sẻ với đại chúng qua đề tài là “Lợi ích của việc nghe pháp” dựa theo một bản kinh mà đức Phật đã dạy mình có 5 điều lợi ích như vậy. Thì mong rằng tất cả chúng ta kể từ giờ phút này mỗi ngày mỗi siêng năng hơn. Ngoài việc đi chùa hàng tuần nghe giảng rồi thì phải nghe đi nghe lại nhiều lần vì nghe 1 lần chưa thấm, chưa nhớ đâu. Thay vì chúng ta cứ cằn nhằn chuyện cũ thì thôi bây giờ nghe nhiều những điều hay dù nó là cũ, nhưng mà mỗi lần nghe là mỗi lần chúng ta “thanh ư nhĩ mục” (làm cho trong sạch cái thấy cái nghe của mình). “Thời thời văn ư vị văn” (lúc nào chúng ta cũng nghe được những điều chưa được nghe. Xin chúc đại chúng cuối tuần an lạc. Việc tu học mỗi ngày một thăng tiến theo giáo pháp của Phật. Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Ghi chép lại từ bài giảng của thầy trên kênh Youtube Pháp Thoại Thích Pháp Hòa
Tiêu đề: Phước báu của người NGHE PHÁP mỗi ngày